Quy phạm pháp luật không được áp dụng - Ảnh minh họa
Căn cứ vào đâu để biết một quy định của pháp luật không có hiệu lực thi hành? Dưới đây là một số trường hợp cụ thể.
1. Văn bản chưa đến thời điểm hiệu lực
Mỗi văn bản đều được quy định hiệu lực thi hành, chẳng hạn, tại Bộ luật lao động 2019:
“Điều 220. Hiệu lực thi hành
1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.”
Theo đó, văn bản chỉ phát sinh hiệu lực từ 1/1/2021, có nghĩa là thời điểm hiện tại văn bản này vẫn chưa có hiệu lực thi hành và không được áp dụng.
Đối với trường hợp này, có một ngoại lệ sẽ được nhắc đến ở mục 2
2. Có ưu tiên thi hành văn bản khác
Mặc dù một văn bản đang trong thời gian hiệu lực, vẫn có những trường hợp nó không được áp dụng, cụ thể:
Quy định tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chỉ ra những trường hợp một văn bản bị ưu tiên áp dụng bởi một văn bản khác như sau:
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
=> Đây là ngoại lệ của trường hợp văn bản chưa đến thời điểm hiệu lực, chẳng hạn Bộ luật hình sự 1999 quy định tội A bị xử phạt 5 năm tù, Bộ luật hình sự 2015 quy định tội A bị xử phạt 2 năm tù
Khi Bộ luật Hình sự 2015 đã được thông qua và chỉ chờ đến ngày có hiệu lực, nếu một người phạm tội A thì sẽ được ưu tiên xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.
- Quy định trong văn bản pháp luật của Việt Nam trái với quy định tương tự trong một điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì ưu tiên sử dụng quy định trong điều ước quốc tế.
3. Văn bản bị ngưng hiệu lực
Theo quy định tại Điều 153 Luật hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 một văn bản sẽ bị ngưng hiệu lực khi:
- Bị đình chỉ việc thi hành
- Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản đó trong một thời hạn nhất định
4. Văn bản hết hiệu lực
Điều 154 Luật hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định những trường hợp sau đây văn bản sẽ hết hiệu lực hoặc hết hiệu lực một phần:
- Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.
- Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
- Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
Mời bạn đọc đóng góp thêm ý kiến!
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 04/11/2020 01:32:11 CH