(Công lý) - Các phiên tòa được đưa ra xem xét trong tháng 10 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết được một số vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Sau đây là một số vụ án cụ thể được đưa ra xem xét tại các phiên tòa này.
1. Kết luận giám định đúng chữ ký, tại sao vẫn không phải chịu trách nhiệm về chữ ký này?
Ông Trần Văn Th khởi kiện đòi bà Nguyễn Thị B trả khoản tiền 625 triệu đồng là tiền nợ mua bán cà phê (số tiền nợ là 1 tỷ đồng, đã trả được 375 triệu đồng). Ông Th xuất trình tài liệu đề ngày 13/12/2009 của bà B có nội dung nợ tiền mua bán cà phê. Bà B xác nhận có viết và ký tài liệu đề ngày 13/12/2009 nhưng khai rằng bà và chồng bà (ông Vũ Văn T) đã trả cho ông Th và vợ ông Th (bà Trần Thị H) 1.502.000.000 đồng. Bà B xuất trình 22 giấy biên nhận của vợ chồng ông Th bà H và có yêu cầu phản tố đòi vợ chồng ông Th bà H trả lại số tiền đã trả thừa là 502 triệu đồng.
Vợ chồng ông Th bà H khai rằng chỉ có 2 chứng từ trả cho khoản nợ tiền cà phê (375 triệu đồng), còn 20 chứng từ khác là tiền trả cho khoản nợ vay 1.195.000.000 đồng trước đó theo Giấy mượn tiền đề ngày 31/12/2007.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà B xuất trình tài liệu có phần đánh máy là:
“Tôi là Nguyễn Thị H xác nhận:
Ngày 21/01/2008 chị B đã trả đủ 1.195.000.000 đồng
(Bằng chữ Một tỷ một trăm chín mươi lăm triệu đồng)
Người nhận”
Bên dưới phần đánh máy nêu trên là chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị H”. Bà H không thừa nhận có việc trả tiền theo giấy đề ngày 21/01/2008 nêu trên.
Vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, sơ thẩm lại, phúc thẩm lại. Tại Bản án phúc thẩm lại số 03/2015/DSPT ngày 12/01/2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (buộc bị đơn trả tiền nợ mua cà phê 625 triệu đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 288.387.500 đồng), bác yêu cầu phản tố của bị đơn. Vợ chồng bà B ông T có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT ngày 15/12/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy bản án sơ thẩm lại và bản án phúc thẩm lại; giao xét xử sơ thẩm lại. TAND tỉnh Đắk Lắk có kiến nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 09/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy quyết định giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT và giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 03/2015/DSPT.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Mấu chốt của vụ án là công nhận hay không công nhận tính xác thực của tài liệu đề ngày 21/01/2008. Tài liệu này đã được giám định. Kết luận giám định đã xác định “chữ ký và chữ viết đề tên Nguyễn Thị H trong tài liệu giám định là chữ ký, chữ viết của bà Nguyễn Thị H”. Nhưng kết luận giám định cũng xác định rằng “không đủ cơ sở kết luận nội dung: “Tôi là Nguyễn Thị H xác nhận ngày 21/01/2008 chị B đã trả đủ 1.195.000.000 đồng” được in trước hay sau phần chữ ký, chữ viết đề tên Nguyễn Thị H”. Như vậy, không loại trừ khả năng phần đánh máy được đánh sau khi ký khống như bà H nêu ra.
Tài liệu đề ngày 21/01/2008 có nội dung mâu thuẫn với các chứng cứ khác do chính bà B xuất trình. 20 giấy biên nhận mà bà B xuất trình đều là giấy viết tay thể hiện việc trả nợ tiền sau ngày 21/01/2008 và trước ngày nhận nợ mua bán cà phê (13/12/2009). Nếu ngày 21/1/2008 đã trả xong khoản nợ 1.195.000.000 đồng thì sau ngày này không còn phải tiếp tục trả nợ. Nếu là trả trước cho việc mua bán cà phê thì phải được trừ đi khi viết biên nhận nợ tiền cà phê (13/12/2008). Vì vậy, tài liệu đề ngày 21/1/2008 mà bà B xuất trình không đáng tin cậy, không đủ cơ sở xác định là chứng cứ hợp pháp.
Không đủ cơ sở chấp nhận tài liệu đề ngày 21/01/2008 có nội dung đúng sự thật thì các chứng cứ khác đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Việc chưa xác định được có giả mạo chứng cứ hay không và giả mạo như thế nào không cản trở việc xác định trách nhiệm dân sự (trả nợ tiền mua bán cà phê) nên việc giao xét xử sơ thẩm lại (như Quyết định giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT) là không cần thiết.
2. Đã có quyết định của Tòa án về hợp đồng thế chấp thì có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không?
Ngày 10/10/2013, Bà Nguyễn Kim T khởi kiện yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng của Văn phòng công chứng Đ đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 21/01/2011 vô hiệu. Bà T cho rằng 5 thửa đất đứng tên ông H (chồng bà) là tài sản chung của vợ chồng nên chỉ có ông H ký hợp đồng thế chấp để bảo lãnh cho Công ty N vay tiền Ngân hàng Đông Nam là trái pháp luật.
Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Điện Bàn đã bác yêu cầu của bà T. Bà T kháng cáo quá hạn. TAND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/DS-GĐT ngày 3/7/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm. Bà T tiếp tục có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 9/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 27/2017/DS-GĐT, hủy Quyết định phúc thẩm, hủy Bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Hội đồng Thẩm phán hủy cả quyết định giám đốc thẩm, quyết định phúc thẩm, bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở xác định rằng, việc thụ lý vụ án là không đúng. Đây là trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án, quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 (nay quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 192 BLTTDS). Trước khi bà T khởi kiện, Ngân hàng Đông Nam đã khởi kiện vụ án về hợp đồng tín dụng với Công ty N; tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 77/2013/QĐST-KDTM ngày 30/9/2013 của TAND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã có nội dung phát mại tài sản thế chấp bảo lãnh để trả nợ.
TAND huyện Điện Bàn thụ lý vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu vì cho rằng văn bản công chứng độc lập với hợp đồng thể chấp. Đúng là văn bản công chứng có tính độc lập với văn bản được công chứng. Văn bản công chứng có thể vô hiệu mà văn bản được công chứng không vô hiệu (như trường hợp văn bản được công chứng thuộc lọai không bắt buộc phải công chứng). Văn bản công chứng vô hiệu nhưng văn bản được công chứng dù không được coi là một giao dịch có hiệu lực thì vẫn là một sự kiện pháp lý tồn tại khách quan. Do đó, người khởi kiện có quyền chỉ khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà không yêu cầu phán quyết về văn bản được công chứng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hợp đồng tín dụng đã được giải quyết bằng vụ án kinh doanh, thương mại, đã xác định hợp đồng thế chấp hợp pháp. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là loại bắt buộc phải công chứng nên xác định hợp đồng hợp pháp là đã xác định việc công chứng là hợp pháp. Như vậy, yêu cầu phán xét về công chứng là sự việc đã được giải quyết trong vụ án kinh doanh, thương mại. Bà T chỉ có quyền yêu cầu giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 77/2013/QĐST-KDTM chứ không có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
3.Tại sao chứng cứ xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm lại không được chấp nhận?
Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là Hộ kinh doanh Ngọc B (do bà B là chủ hộ) với người bị kiện là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh V có đối tượng khởi kiện là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0156483/QĐXPHC ngày 28/5/2013. Quyết định hành chính này xử phạt Hộ kinh doanh Ngọc B về hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; xử phạt 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Quyết định xử phạt trên cơ sở từ việc kiểm tra xe ô tô chở 30.000kg đường cát trắng ngày 08/5/2013 và đội quản lý thị trường đã lập Biên bản vi phạm hành chính ngày 28/5/2013.
Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác yêu cầu khởi kiện của bà B. Bà B kháng cáo. Tại bản án hành chính phúc thẩm số 07/2016/HCPT, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy quyết định hành chính nêu trên. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị đối với bản án phúc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 9/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý được nêu ra là:
Một trong những lý do Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà B là xác định hóa đơn mà bà B xuất trình để chứng minh mua đường ở trong nước không hợp lý. Bà B khai mua đường của các cơ sở trong nước, phối trộn thành hàng của Ngọc B, dán nhãn rồi mang bán. Hóa đơn đề ngày 26/4/2013 nhưng nhãn ghi ngày sản xuất trên hàng hóa thu giữ là 22/4/2013. Như vậy là việc phối trộn xảy ra trước khi có hàng để phối trộn. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà B xuất trình Hóa đơn mua đường đề ngày 18/4/2013. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hóa đơn mới xuất trình có thời gian trước ngày dán nhãn sản xuất là hợp lý nên đã sửa án sơ thẩm, hủy quyết định xử phạt hành chính.
Thực tế, việc xuất trình hóa đơn đề ngày 18/4/2013 mới chỉ khắc phục được sự bất hợp lý về thời gian chứ chưa chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Các cơ sở trong nước bán đường cho Hộ kinh doanh Ngọc B đều xác định số đường bị thu giữ không phải hàng của họ đã bán. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 đã xác định số đường thu giữ là đường tinh luyện cao cấp, không phải đường được phối trộn từ các cơ sở trong nước như bà B khai.
Như vậy, chứng cứ mới xuất trình ở giai đoạn xét xử phúc thẩm có thể được chấp nhận nhưng giá trị chứng minh chưa đủ để thay đổi quyết định của cấp sơ thẩm thì vẫn phải giữ nguyên các quyết định sơ thẩm.
Chu Minh
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 13/11/2019 03:51:37 CH