Chuyên cơ, chuyên khoang là hình thức vận tải bằng đường hàng không dành cho các nguyên thủ quốc gia, với độ bảo mật an ninh cao cũng như kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lãnh đạo cấp cao đứng đầu của một nước.
Có thể kể đến các nước có chuyên cơ đặc biệt dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga cùng với nghi thức chào đón trịnh trọng. Vậy bạn có biết chuyên cơ dành cho nguyên thủ quốc gia Việt Nam được quy định thế nào?
1. Chuyên cơ, chuyên khoan được hiểu thế nào?
Theo đó, chuyến bay chuyên cơ được giải thích tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 96/2021/NĐ-CP là chuyến bay sử dụng tàu bay riêng biệt chở một trong các lãnh đạo đứng đầu của một nước và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo.
Bên cạnh đó, nguyên thủ quốc gia cũng có thể sử dụng chuyến bay chuyên khoang (toàn bộ hoặc một phần) là chuyến bay vận chuyển thương mại được các cơ quan có thẩm quyền mua vé, xác nhận chỗ.
Chuyến bay chuyên khoang hiện nay được các nguyên thủ quốc gia Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì tính tiện lợi, tiết kiệm tài nguyên và cũng là hình thức vận chuyển được sử dụng nhiều.
Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là chuyến bay do hãng hàng không của Việt Nam hoặc do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện chở bay trong, ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Qua đó, chuyên cơ được sử dụng riêng biệt chở các nguyên thủ quốc gia di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam hoặc công du nước ngoài. Còn chuyên khoang là chuyến bay thương mại được thuê một phần hoặc toàn bộ để chở nguyên thủ quốc gia.
2. Nguyên tắc khi sử dụng chuyên cơ, chuyên khoan
Vì đây là hình thức vận chuyển chính của người đứng đầu một nước vì vậy phải đảm bảo tuyệt đối về vấn đề an ninh, bí mật và nghi lễ trang trọng. Theo Điều 3 Nghị định 96/2021/NĐ-CP chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1) Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối.
(2) Bảo đảm tiêu chuẩn chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định.
(3) Bảo đảm bí mật Kế hoạch đảm bảo an ninh cho đối tượng chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định của pháp luật.
(4) Bảo đảm nghi lễ đón, tiễn chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định.
3. Những ai được sử dụng chuyên cơ, chuyên khoang?
Như đã nhắc trước đó, đối tượng sử dụng chuyên cơ, chuyên khoan là các nguyên thủ quốc gia. Họ là những người đứng đầu các cấp nhà nước. Nhưng tại Việt Nam đối tượng sử dụng được quy định tại Điều 4 Nghị định 96/2021/NĐ-CP bao gồm:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đối tượng được quy định tại Điều 8 Nghị định 96/2021/NĐ-CP.
Trường hợp tại Điều 8 Nghị định 96/2021/NĐ-CP quy định như sau: Tiêu chuẩn, quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam được áp dụng đối với các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài chở người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân tại Việt Nam.
4. Thông báo về chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 96/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam như sau:
(1) Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam được thực hiện bằng văn bản gồm có các nội dung sau:
- Đối tượng được phục vụ và số lượng, thành phần đoàn.
- Hành trình chuyến bay.
- Hãng hàng không của Việt Nam hoặc đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được đặt hàng hoặc giao thực hiện chuyến bay.
- Yêu cầu về nghi lễ đón, tiễn.
- Yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng và các yêu cầu cụ thể khác.
(2) Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam được gửi tới các cơ quan, đơn vị sau:
Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện vận chuyển nội địa:
- Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
- Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam).
- Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân).
- Doanh nghiệp được đặt hàng thực hiện chuyến bay.
Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện vận chuyển quốc tế:
- Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước).
- Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
- Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam).
- Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân).
- Doanh nghiệp được đặt hàng thực hiện chuyến bay.
Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện vận chuyển nội địa:
- Bộ Quốc phòng.
- Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện vận chuyển quốc tế:
- Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước).
- Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ).
- Bộ Quốc phòng.
- Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam).
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
(3) Thời hạn gửi văn bản thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam như sau:
- Đối với các chuyến bay chuyên cơ:
Tối thiểu 05 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay nội địa; tối thiểu 10 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay quốc tế; trừ trường hợp đặc biệt.
- Đối với các chuyến bay chuyên khoang:
Tối thiểu 24 giờ trước giờ dự định cất cánh của chuyến bay đối với bay nội địa; tối thiểu 05 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay quốc tế; trừ trường hợp đặc biệt.
- Đối với chuyến bay chuyên cơ do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện:
Tối thiểu 05 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay; trừ trường hợp đặc biệt.
(4) Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam được coi là hình thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đặt hàng đối với các hãng hàng không của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang dùng để vận chuyển các nguyên thủ quốc gia đi công tác không chỉ là một hình thức thông thường vì nó liên quan đến nhiều vấn đề về an toàn, an ninh và còn là nghi thức đón tiếp trang trọng có trong các chuyến công du.