Một số quy định liên quan đến kho ngoại quan

Chủ đề   RSS   
  • #603270 15/06/2023

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Một số quy định liên quan đến kho ngoại quan

    Khi tìm hiểu về thủ tục xuất, nhập khẩu, chúng ta thường nghe nhắc đến khái niệm “kho ngoại quan”, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến loại hình kho này.

    1. Kho ngoại quan là gì?

    Theo định nghĩa tại khoản 10 Điều 4 Luật Hải quan 2014 thì kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

    Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng.

    Như vậy, kho ngoại quan được hiểu là khu vực để lưu giữ hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu hoặc hàng từ nước ngoài gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

    2. Điều kiện công nhận kho ngoại quan

    Tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định 67/2020/NĐ-CP (nội dung sửa đổi Điều 10 Nghị định 68/2016/NĐ-CP) quy định điều kiện công nhận kho ngoại quan như sau:

    - Khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan phải nằm trong khu vực quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan 2014 hoặc khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics.

    Cụ thể, các khu vực tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan 2014 bao gồm:

    + Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế;

    + Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định.

    - Kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.

    - Diện tích kho chứa hàng:

    + Nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế hoặc khu vực ga đường sắt liên vận quốc tế: tối thiểu 1000 m2;

    + Kho ngoại quan chuyên dùng: tối thiểu 1000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1000 m3;

    + Nằm trong khu công nghiệp: phải có diện tích khu đất tối thiểu 4000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1000 m2;

    Kho ngoại quan không thuộc trường hợp trên phải có diện tích khu đất tối thiểu 5000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1000 m2;

    + Bãi ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

    - Có phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý lưu giữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan về tên hàng, chủng loại, số lượng, tình trạng của hàng hóa, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong kho ngoại quan chi tiết theo tờ khai hải quan để quản lý theo Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động.

    - Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của kho ngoại quan, bãi ngoại quan (bao gồm cổng, cửa và trong kho bãi, riêng kho ngoại quan chứa hàng đông lạnh không phải lắp đặt trong kho) vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 06 tháng.

    Như vậy, kho ngoại quan đáp ứng các điều kiện như trên thì sẽ được công nhận.

    3. Hàng hóa gửi kho ngoại quan, các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan

    Theo quy định tại Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP hàng hóa từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hóa từ nước ngoài chờ làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan (các đối tượng này bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài) được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan.

    - Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm:

    + Hàng của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam;

    + Hàng của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước hoặc chờ xuất khẩu sang nước thứ ba;

    + Hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba.

    - Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:

    + Hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;

    + Hàng hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất.

    - Hàng hóa sau đây không được gửi kho ngoại quan:

    + Hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;

    + Hàng gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường;

    + Hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

    Ngoài hàng hóa không được gửi kho ngoại quan nêu trên, căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan.

    Bên cạnh việc quy định các loại hàng hóa được gửi kho ngoại quan thì tại Điều 83 Nghị định 08/2015/NĐ-CP cũng quy định các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan. Cụ thể, chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho chủ kho ngoại quan hoặc đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan:

    - Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; đóng ghép hàng hóa; phân loại phẩm cấp hàng hóa, bảo dưỡng hàng hóa;

    - Lấy mẫu hàng hóa để phục vụ công tác quản lý hoặc làm thủ tục hải quan (thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 38/2015/TT-BTC và Khoản 20 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC);

    - Chuyển quyền sở hữu hàng hóa;

    - Riêng đối với kho ngoại quan chuyên dùng chứa hóa chất, xăng dầu, nếu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan được phép pha chế, chuyển đổi chủng loại hàng hóa.

    Có thể thấy không phải tất cả các trường hợp hàng hóa đều có thể gửi kho ngoại quan, chỉ khi thuộc vào một trong những trường hợp nêu trên thì mới có thể gửi kho ngoại quan, xem thêm nội dung những quy định liên quan đến kho ngoại quan tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

     
    6293 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận