Một số hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Chủ đề   RSS   
  • #608086 11/01/2024

    Tranxuandung991994
    Top 150
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/09/2018
    Tổng số bài viết (496)
    Số điểm: 8990
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 85 lần


    Một số hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

    Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết 04 hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

    - Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế;

    - Xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

    - Mua trả chậm, trả dần và mượn thiết bị y tế;

    - Nhận tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

    1. Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế

    - Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân loại tự chủ nhóm 1, 2, 3 theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    - Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để có ý kiến về chủ trương đối với việc vay vốn đầu tư trước khi thực hiện. Báo cáo bao gồm các nội dung sau:

    + Sự cần thiết phải vay vốn;

    + Mục tiêu vay vốn;

    + Quy mô, địa điểm thực hiện dự án sử dụng vốn vay;

    + Hình thức tổ chức hoạt động;

    + Phương án về nhân lực để thực hiện các hoạt động từ các trang thiết bị hoặc cơ sở đầu tư từ vốn vay;

    + Thời gian thực hiện dự án: thời gian đầu tư xây dựng, thời gian hoạt động của dự án;

    + Tính khả thi của phương án vay vốn;

    + Hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

    Đối với đơn vị có Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng Trường, Hội đồng Đại học, đơn vị trình Hội đồng để có ý kiến về chủ trương đối với việc vay vốn đầu tư trước khi thực hiện.

    2. Quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

    - Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được thuê, cho thuê tài sản là cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế để phục vụ hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

    - Việc thuê, cho thuê tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công, việc lựa chọn đơn vị thuê, cho thuê theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Thời gian thuê không quá thời gian hao mòn, khấu hao của tài sản theo quy định của pháp luật hoặc không quá vòng đời của tài sản.

    - Việc thuê, cho thuê dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

    3. Mua trả chậm, trả dần và mượn thiết bị y tế

    - Mua trả chậm, trả dần:

    + Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước căn cứ vào tiêu chuẩn định mức thiết bị y tế, nguồn kinh phí của đơn vị mình để quyết định mua sắm thiết bị y tế theo hình thức mua trả chậm, trả dần;

    + Việc mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu, trong đó phải nêu rõ cụ thể hình thức thanh toán theo hình thức trả chậm, trả dần tại hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị y tế.

    - Việc mượn thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

    - Việc sử dụng các thiết bị y tế theo quy định trên trong khám bệnh, chữa bệnh được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để thu của người bệnh hoặc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định về pháp luật bảo hiểm y tế.

    4. Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài

    - Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp nhận viện trợ bằng tiền, hỗ trợ kỹ thuật và hiện vật từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

    - Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp nhận các khoản tài trợ, cho biếu, tặng bằng tiền, tài sản, phương tiện và hiện vật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

    - Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch từ tổ chức cá nhân trong nước, ngoài nước không áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng.

    - Tài sản được tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân được sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng các tài sản này được thu của người bệnh hoặc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng, dịch vụ y tế cung cấp từ các tài sản này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong quá trình sử dụng.

    Ngoài 04 hình thức trên thì theo quy định tài Khoản 3 Điều 109 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì còn có các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khác như:

    - Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;

    - Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

    - Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

     

     
    137 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận