Một năm người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ mấy lần?

Chủ đề   RSS   
  • #611680 18/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Một năm người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ mấy lần?

    Người lao động phải được công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ bao nhiêu lần trong một năm? Người lao động có bắt buộc khám theo đợt này không? Cụ thể qua bài viết sau đây.

    Một năm người lao động phải được khám sức khỏe định kỳ mấy lần?

    Theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

    - Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

    - Khi khám sức khỏe theo quy định, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

    - Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

    Như vậy, đối với lao động bình thường, hằng năm công ty sẽ phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động ít nhất một lần. Số lượng có thể nhiều hơn tuỳ theo công ty nhưng bắt buộc phải có tổ chức.

    Người lao động có bắt buộc khám sức khỏe theo đợt của công ty không?

    Theo điểm c khoản 1 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về quyền của người lao động như sau:

    Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

    Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về nghĩa vụ người lao động như sau:

    Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể

    Như vậy, về vấn đề khám sức khỏe định kỳ là nghĩa vụ của công ty và là quyền lợi của người lao động. Hiện nay pháp luật chỉ quy định công ty bắt buộc phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động nhưng không bắt buộc người lao động phải thực hiện khám sức khỏe theo đợt của công ty, tuy nhiên nếu đây là một trong những nội quy của công ty thì người lao động vẫn phải thực hiện.

    Công ty không tổ chức khám sức khoẻ bị xử phạt bao nhiêu?

    Theo khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

    Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP  quy định mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, đối với công ty không tổ chức khám sức khỏe định kỳ đối với người lao động thông thường sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng/1 người lao động, tuy nhiên không quá 75 triệu đồng. Đối với cá nhân sử dụng lao động sẽ có mức phạt bằng 1/2 số tiền trên.

     
    1342 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (05/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #614377   23/07/2024

    Một năm người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ mấy lần?

    Dạ cho em hỏi, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động 1 năm quay lại làm việc có cần phải khám sức khỏe đầu vào lại không ạ.

     
    Báo quản trị |  
  • #614987   08/08/2024

    btrannguyen
    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần


    Chào bạn, về vấn đề của bạn có thể tham khảo quy định sau:

    Theo Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động như sau:

    Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

    Như vậy, người lao động cần cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Theo đó, nếu người sử dụng lao động có yêu cầu cung cấp thông tin về sức khỏe thì bạn sẽ phải đi khám sức khỏe đầu vào theo yêu cầu của công ty.

    Ngoài ra, Theo khoản 1, khoản 3 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

    - Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

    - Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

    Theo đó, trường hợp khác nếu không phải khám sức khỏe đầu vào thì khi trở lại công ty bạn cũng sẽ phải khám sức khỏe định kỳ theo lịch của công ty hoặc nếu trở lại làm việc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khoẻ.

     
    Báo quản trị |