MỚI: Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Chủ đề   RSS   
  • #613239 25/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (229)
    Số điểm: 1868
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 13 lần


    MỚI: Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

    Ngày 24/06/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với 94,25% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua gồm 9 chương, với 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

    (1) Tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án nhân dân 

    Tổ chức các Tòa án nhân tiếp tục giữ nguyên quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện như Luật hiện hành, không đổi thành Tòa án nhân dân tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm.

    Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:

    + Tòa án nhân dân tối cao.

    + Tòa án nhân dân cấp cao.

    + Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    + Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

    + Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ; Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt).

    + Tòa án quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).

    Xem cập nhật mới nhất của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

    Bài được viết theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7):https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/25/luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan.doc

    (2)  Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp    

    - Người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham dự phiên tòa xét xử công khai theo quy định của pháp luật. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

    - Người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

    Đối với việc ghi âm, ghi hình, theo khoản 3 và khoản 4 Điều 141 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định như sau:

    - Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

    Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

    - Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. 

    Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản 4.

    - Người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án; không được vi phạm quyền con người của bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án; không được vi phạm quy định về giữ bí mật theo quy định của pháp luật căn cứ tại khoản 5  Điều 141.

    (3)  Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án    

    Tại Điều 17 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã đề cập đến bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án như sau:

    - Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

    - Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật.

    - Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vụ việc phải do Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định và khắc phục theo trình tự, thủ tục luật định.

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan không thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    Xem cập nhật mới nhất của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

    Bài được viết theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/25/luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan.doc  

    Tóm lại, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua gồm 9 chương, với 152 điều, giữ nguyên tên gọi Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện. 

    Bên cạnh đó quy định việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

     
    599 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận