Trường hợp Tòa án tuyên sau lý hôn, mỗi bên sẽ nuôi một người con thì tiền cấp dưỡng sẽ được xác định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Mỗi người nuôi một người con thì tiền cấp dưỡng sau ly hôn như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có nêu rõ cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo đó, tại Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hướng dẫn chi tiết về nội dung này như sau:
- Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
- Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
- Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, tiền cấp dưỡng nuôi con hiện nay được xác định dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Trường hợp đã có kết quả giải quyết của Tòa án về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con, nếu cho rằng mức cấp dưỡng cần phải thay đổi thì có thể yêu cầu thay đổi.
(2) Mức xử phạt hành vi không thực hiện cấp dưỡng sau ly hôn
Như đã có nêu tại mục (1), cấp dưỡng sau khi ly hôn là nghĩa vụ của người cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Theo đó, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn thì bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định.
Ngoài ra, trường hợp người từ chối, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với mức xử phạt cao nhất lên đến 05 năm tù.