Chào bạn, mình xin được trả lời câu hỏi bạn như này nhé.
Theo Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012 thì:
“Điều 26. Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).”
Như vậy, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Ngoài ra, pháp luật chưa có quy định nào khác về hạn chế việc kinh doanh khác tại trụ sở chính của hợp tác xã.
Việc kinh doanh quán cafe cũng không thuộc các hoạt động không buộc đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nên phải tiến hành đăng ký kinh doanh.
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, mình hiểu là bạn muốn mở quán cafe với quy mô nhỏ. Do vậy bạn nên lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 80 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì:
“Điều 80. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh
1. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”
Như vậy, việc bạn là thành viên của hợp tác xã không ảnh hưởng gì đến quyền thành lập hộ kinh doanh. Ngoài ra, để được thành lập hộ kinh doanh thì bạn phải đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
Theo quy định tại Điều 86 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì:
“Điều 86. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”
Như vậy, địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở. Ngoài ra pháp luật cũng không có quy định nào về hạn chế không cho hộ gia đình mở địa điểm kinh doanh trong trụ sở của một hợp tác xã.
Thông tin đến bạn. Hi vọng câu trả lời của mình sẽ giúp được cho bạn.