Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng "Lễ nghĩa" và đạo đức tự nhiên của con người, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc.
Miếng thịt chó và lon bia chẳng qua cũng chỉ là đồ ăn thức uống bình thường của một bộ phận người dân, không có nó thì cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Vậy mà, xã hội ngày nay xem “mạng người không bằng mạng chó”, “lon bia cao hơn lòng tự trọng”.
1/ Miếng thịt chó
Chiều 27/8/2013, người dân thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang phát hiện hai kẻ trộm chó nên đến vây bắt và bị những người này dùng roi điện chống lại. Do bức xúc nên hàng trăm người đã đánh khiến hai người này thiệt mạng. Vậy là, hàng trăm người phải vướng vào vòng lao lý.
2/ Lon bia
Ngày 04/12/2013, một xe chở bia bị tai nạn tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhiều người dân lao vào “hôi bia” mặc cho tài xế van xin. Kết cục rằng họ vướng vào vòng lao lý.
Vậy là điểm chung của miếng thịt chó và lon bia không những nằm ở “bàn nhậu” mà còn thể hiện lên đạo đức, cách giáo dục hiện nay.
Nếu để có câu trả lời đúng hay sai quả là đơn giản, kẻ trộm chó có lỗi, người giết cẩu tặc sai, kẻ hôi bia vi phạm pháp luật. Nhưng chỉ dừng ở đó thì chẳng giải quyết được vấn đề gì ngoài chế tài xử lý của pháp luật. Mà thật ra, những người thực thi pháp luật không đủ khả năng tìm ra chân tướng vấn đề rằng bao nhiêu người đã tham gia vào việc đánh chết cẩu tặc, bao nhiêu người đã hôi bia. Và tất cả chỉ nằm ở con số xử lý tượng trưng.
Vấn đề cốt yếu trong trường hợp này là đạo đức chứ không phải là pháp luật.
Theo Khổng Tử thì: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng "Lễ nghĩa" và đạo đức tự nhiên của con người, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc. Ông đã giải thích điều đó như sau: "Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vây tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng.".
Dường như những người có thẩm quyền hiện nay không đề cao đạo đức mà quá “trọng” pháp luật, nhiều quan chức còn phát ngôn: “làm sai đã có luật định” … thì thử hỏi bao giờ xã hội này mới hết cảnh đau buồn như trên.
Và như thế xã hội vẫn còn nhiều kẻ nói dối không biết đỏ mặt!
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 13/12/2013 03:21:36 CH