Việc thực hiện công việc ủy quyền bị hạn chế về thời gian, do đó, các bên thực hiện giao dịch ủy quyền cần xác định rõ về thời hạn ủy quyền, thời điểm phát sinh của hiệu lực thực hiện công việc cũng như thời điểm chấm dứt công việc.
Tránh trường hợp bỏ lửng thời hạn ủy quyền trong văn bản ủy quyền vì sẽ ảnh hưởng đến thời hạn thực hiện công việc của các bên. Bởi vì, theo Điều 563 Bộ luật Dân sự (BLDS) về thời hạn ủy quyền: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”. Thực tế cho thấy, ngoại trừ những trường hợp thời hạn do pháp luật quy định, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận có 02 cách thể hiện:
Cách thứ nhất: Thời hạn được xác định trong một khoảng thời gian nhất định (mà các bên dự tính là hợp lý để thực hiện ủy quyền), như trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 5 năm… kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Cách thỏa thuận này chỉ quan tâm đến thời gian thực hiện công việc mà không quan tâm nhiều đến kết quả thực hiện công việc. Sau khi hết thời hạn này, cho dù công việc có được hoàn thành hay không thì ủy quyền cũng chấm dứt, bên được ủy quyền không được nhân danh và đại diện người ủy quyền để thực hiện công việc đó nữa. Cách thức quy định này có ưu điểm là xác định rõ thời hạn cụ thể, không xảy ra tình trạng tranh chấp về thời hạn, nhưng sẽ gây khó khăn cho người được ủy quyền hoàn thành công việc trong thời hạn quy định, nhất là khi việc thực hiện công việc bị ảnh hưởng, cản trở bởi những nguyên nhân khách quan.
Cách thứ hai: thời hạn ủy quyền được xác định theo hướng phù hợp với kết quả thực hiện ủy quyền (không ấn định theo một thời hạn cụ thể).
Cách thỏa thuận này theo hướng “mở”, chú trọng vào kết quả thực hiện công việc mà không quan tâm và không hạn chế thời hạn ủy quyền bằng một khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ: “thời hạn ủy quyền: kể từ ngày ủy quyền có hiệu lực cho đến khi thực hiện xong công việc được ủy quyền”.
Bên cạnh đó, khi thiết kế điều khoản về thời hạn ủy quyền, cần lưu ý đối với việc dùng cụm từ “cho đến khi thực hiện xong công việc được ủy quyền”, đặc biệt là khi sử dụng đối với những công việc không mang tính chất chuyển quyền sở hữu. Ví dụ: ủy quyền đối với công việc cho thuê nhà có nội dung “thời hạn ủy quyền: cho đến khi thực hiện xong công việc được ủy quyền”, cũng có thể đồng nghĩa với việc bên ủy quyền chỉ được thay mặt chủ sở hữu cho thuê nhà chỉ một lần và theo đó, chỉ cần bên được ủy quyền cho thuê nhà và thanh lý hợp đồng thuê thì không thể sử dụng ủy quyền này để tiếp tục thực hiện việc cho thuê nhà lần nữa.
Cách quy định này có ưu điểm là: thuận lợi cho bên được ủy quyền để thực hiện xong công việc được ủy quyền, những sẽ gây ra cách hiểu khác nhau về thời hạn ủy quyền giữa các bên của quan hệ ủy quyền, với người thứ ba liên quan (đặc biệt là trong trường hợp nội dung ủy quyền có từ 2 công việc phải thực hiện trở lên, như việc ủy quyền cho thuê, thế chấp, bán hoặc tặng cho nhà đất).
Do mỗi cách xác định thời hạn đều có ưu và nhược điểm nhất định nêu trên, do đó, cần cân nhắc kỹ về cách thể hiện thời hạn trong ủy quyền của họ. Đối với những loại công việc thực hiện theo định kỳ hay xác định được khoảng thời gian thực hiện cụ thể thì cần ghi nhận một thời hạn ủy quyền cụ thể. Chẳng hạn, do có nhu cầu bán nhà trong khoảng thời gian đi công tác đến hết tháng 9 năm 2018 thì các bên có thể thỏa thuận thời hạn ủy quyền “từ ngày ủy quyền cho đến hết ngày 30/9/2018”. Tuy nhiên đối với những công việc mà thời gian hoàn thành không xác định được một thời hạn cụ thể thì không nên ấn định một mốc thời gian cụ thể cho hiệu lực của ủy quyền. Chẳng hạn, việc ủy quyền thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.