Vừa rồi đọc báo thấy có một trường hợp ở TP HCM có một bạn sinh viên đến cửa hàng tiện lợi mua đồ, quay ra thì xe bị mất và có nói rằng bên cửa hàng không có dấu hiệu bồi thường chiếc xe cho bạn ấy. Đọc thấy lạ, đi mua đồ, để xe bị mất quay sang yêu cầu cửa hàng bồi thường, chuyện này có cái gì đó không đúng cho lắm.
Trong nội dung bài báo mình đọc được thì đại diện của Cửa hàng trả lời rằng vì bạn sinh viên này để xe ngoài phạm vi giám sát của camera, ngoài phạm vi khuôn viên của cửa hàng nên cửa hàng không có trách nhiệm phải bồi thường. Vì nếu bồi thường là cổ súy cho cái sai. Ngoài ra, trước cửa hàng đã dán khuyến cáo về thời gian giữ xe của cửa hàng, theo đó cửa hàng chỉ giữ xe khi có bảo vệ. Ngoài ra còn có thông báo:
“Nếu quý khách lưu trú tại cửa hàng trên 10 phút vui lòng gửi xe ở bãi xe kế bên (có tính phí)”.
Mình cũng trích lại lời kể của bạn sinh viên này khi đến cửa hàng tiện lợi:
“Khi đến cửa hàng, hành lang để xe khá kín chỗ nên tôi phải để ở phần vỉa hè của siêu thị. Lúc vào phía trong mua đồ, để chắc ăn tôi còn hỏi nhân viên về vé xe. Tuy nhiên, người này nói rằng không có vé nên tôi vào thẳng”
Để nhận định rằng trường hợp mất tài sản này trách nhiệm bồi thường thuộc về ai mình xin bóc tách từng trường hợp cụ thể có thể xảy ra khi vào một cửa hàng tiện lợi mua đồ và bị mất xe, từ đó có thể nhận định được trường hợp trên rơi vào trường hợp nào và trách nhiệm bồi thường thuộc về ai.
I. Trường hợp cửa hàng tiện lợi có thuê bảo vệ
1. Cửa hàng tiện lợi thuê bảo vệ nội bộ (bảo vệ do chính cửa hàng thuê về để làm việc)
Trường hợp cửa hàng tiện lợi thuê bảo vệ nội bộ về để làm công việc trông giữ xe cho cửa hàng, và bạn A tới cửa hàng mua đồ, người bảo vệ lại dắt xe cho ngay ngắn, gọn gàng sau đó quay ra thấy mất xe.
Lúc này, giữa bạn sinh viên kia và người bảo vệ đã phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định tại Điều 544 Bộ luật dân sự Và việc để mất xe thì người bảo vệ kia phải có trách nhiệm đền cho khách hàng theo quy định tại Khoản 4 Điều 557 Bộ luật dân sự (nếu không có trường hợp bất khả kháng khác). Bất kể trường hợp người bảo vệ có ghim phiếu gửi xe hay không thì kể từ lúc bạn đi vào bãi gửi xe có bảo vệ ở đó, thì giữa hai bên đã phát sinh quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản. Nếu có phiếu gửi xe thì tốt, còn nếu không có thì khách mua hàng phải chứng minh được mình đã có gửi xe ở bãi nếu như người bảo vệ chối (trích xuất cam an ninh hoặc người làm chứng…)
Ngoài ra, lúc này cửa hàng cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.
2. Cửa hàng tiện lợi thuê dịch vụ bảo vệ của một công ty bảo vệ
Cũng như trường hợp trên, khách hàng tới cửa hàng tiện lợi mua đồ và quay ra thì thấy mất xe. Tương tự, người bảo vệ có trách nhiệm phải bồi thường chiếc xe cho khách hàng của cửa hàng vì giữa người bảo vệ và khách hàng đã phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản.
Tuy nhiên trường hợp này việc cửa hàng tiện lợi có phải bồi thường hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa cửa hàng với công ty dịch vụ bảo vệ. Bởi trong thực tế có thể hợp đồng dịch vụ giữa cửa hàng và công ty bảo vệ có điều khoản khác quy định về việc bồi thường tải sản nếu xảy ra mất mát, hư hại. Nếu như không có một thỏa thuận nào khác, thông thường thì nếu xảy ra mất mát trong trường hơp này. Thì người bảo vệ và công ty bảo vệ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản bị mất mát của khách hàng.
II. Trường hợp cửa hàng không có bảo vệ và xảy ra mất xe
Trường hợp này thì đương nhiên… mất thì chịu thôi. Vì giữa cửa hàng và khách hàng không có phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản. Giao dịch giữa bạn sinh viên và cửa hàng chỉ là giao dịch mua bán tài sản, không phát sinh trách nhiệm trông giữ xe.
Ở các cửa hàng tiện lợi, thường có cái bảng ghi chú “mất xe tự chịu trách nhiệm”, nghe thì có vẻ là một thông báo đấy, nhưng thực tế cái thông báo này không hề có giá trị pháp lý. Vì đương nhiên là mất xe thì phải tự chịu rồi, cửa hàng không có nghĩa vụ trông giữ xe cho khách hàng.
Ngay cả thông báo “Gửi xe trên 10p thì gửi ở kế bên” của cửa hàng cũng là mang tính khuyến cáo khách hàng chứ cũng không có giá trị pháp lý.
Như vậy, từ những nhận định trên có thể thấy rằng trường hợp của bạn sinh viên kia, đại diện cửa hàng nói không phải bồi thường là không sai với quy định pháp luật hiện hành.
Cũng từ những trường hợp mình bóc tách ở trên, cũng mong rằng mọi người lưu ý hơn khi đi ăn uống, mua sắm ở các shop quần áo hay các nhà hàng có kiểu trông giữ xe tương tự.