Trong Pháp luật Việt Nam, theo Bộ luật Hình sự thì khi giết người mức xử cao nhất của khung hình phạt là tử hình, thấp hơn tử hình một chút là chung thân. Vậy, khi nào xử tử hình, khi nào xử chung thân? Tùy tòa, tùy sự việc?
Người phụ nữ luống tuổi, đi chân đất, lật đật vào phòng xử khi phiên tòa xem xét đơn xin giảm án của con bà đã bắt đầu được ít phút. Khuôn mặt hốc hác, bà thấp thỏm dõi theo đứa con trai mang án tử hình đang đứng trước vành móng ngựa. Chồng và con gái lớn của bà ngồi kế bên cũng lộ rõ vẻ lo lắng.
Dù biết rõ hành vi phạm tội của con, song nội dung vụ án một lần nữa được toà công bố khiến mẹ Tín ôm mặt. Người chồng ngồi bên tay bấu vào thành ghế, lặng lẽ gục đầu.
Theo bản án sơ thẩm, giữa tháng 9/2014 Nguyễn Anh Tín (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào làm việc cho công ty quảng cáo của ông Hải trên đường Hậu Giang, quận 6. Nhưng một tuần sau anh ta bị cho nghỉ việc.
Trưa 23/9/2014, nam thanh niên đến tìm ông chủ cũ để lấy 500.000 đồng tiền công một tuần làm việc nhưng song ông Hải không trả, bỏ vào nhà vệ sinh. Tín tức giận vớ con dao trong hộc bàn, đuổi theo đâm vào cổ chủ tiệm quảng cáo. Nạn nhân quay lại chống cự liền bị đâm liên tiếp nhiều nhát, tử vong tại chỗ.
Gây án xong Tín lục lấy chìa khóa xe, phóng khỏi hiện trường. Hôm sau anh ta mang xe đi cầm thì bị bắt. TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Tín mức án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Bị cáo và đại diện người bị hại đều làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
"Chỉ vì 500.000 đồng mà đoạt mạng sống một người, đánh đổi cả cuộc đời mình, làm cả gia đình bị cáo và người nhà nạn nhân đau khổ như vậy sao?", chủ toạ hỏi. Không trả lời, Tín cúi đầu thật thấp, mím chặt môi.
Được mời lên thẩm vấn, vợ anh Hải giọng buồn bã cho biết đã nhận đủ tiền bồi thường thiệt hại gần 280 triệu đồng từ gia đình Tín. Bị cáo đã gây ra tội lỗi rất lớn khiến chị mất chồng, hai con thơ mất cha. Nhưng vì thương xót cha mẹ Tín khi họ đến van xin, không muốn họ mất đứa con nên chị kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho anh ta.
Nói lời sau cùng, Tín bảo đã nhận ra tội lỗi của mình, rất hối hận về những gì đã gây ra. "Con xin lỗi cô và hai em. Vì sự nông nổi của con mà gia đình cô mất đi người thân. Xin HĐXX cho bị cáo cơ hội được sống và làm lại cuộc đời", Tín nói.
Giờ nghị án, mẹ Tín ôm ngực khi cơn đau tim đột ngột đến. Bà hổn hển gục đầu vào vai chồng. Ngồi cạnh bên, chị của Tín buồn rượi cho biết nhà chỉ có hai chị em. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, đứa con trai duy nhất không tìm được việc làm nên vào Sài Gòn mưu sinh, không lâu sau thì xảy ra vụ án. Bố mẹ cô phải bán mảnh đất ở quê, vay thêm họ hàng để có tiền bù đắp thiệt hại cho gia đình nạn nhân với hy vọng sẽ cứu em trai thoát tội chết...
HĐXX vào tuyên án, mẹ Tín không ngừng run rẩy. Toà cho rằng, Tín đã bồi thường thiệt hại và được gia đình nạn nhân xin giảm nhẹ hình phạt, song hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên không thể giảm án. Từ đó, HĐXX giữ nguyên hình phạt tử hình với anh ta.
Người mẹ gào khóc gọi con rồi ngất lịm. Cố ngoái đầu nhìn mẹ và người thân, Tín đưa đôi tay bị còng chặt ôm mặt, đôi mắt đỏ hoe.
Theo: Vnexpress
Sự việc trên lỗi không xuất phát hòan tòan từ bị cáo, có lỗi của bị hại, gia đình bị cáo dù nghèo khổ cũng đã cố gắng gom góp tiền để bồi thường cho gia đình bị hại. Bị cáo còn trẻ, còn khả năng làm lại cuộc đời, cớ sao không tuyên bị cáo "chung thân", để rồi nếu cải tạo tốt thì bị cáo sẽ được ra tù, về với gia đình, phụ giúp cha mẹ?
Tử hình - tước đọat thêm mạng sống của 1 người có phải là "lời răn" hay nhất của pháp luật dành cho người dân đối với những sự việc như trên?
Mong nhận được sự góp ý từ quý thành viên ^^
Cập nhật bởi di_mien ngày 17/08/2015 03:49:59 CH