Mạng lưới quan trắc môi trường Việt Nam gồm những thành phần cơ bản nào?

Chủ đề   RSS   
  • #609213 10/03/2024

    lamint

    Sơ sinh

    Vietnam --> Lâm Đồng
    Tham gia:05/12/2023
    Tổng số bài viết (91)
    Số điểm: 455
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Mạng lưới quan trắc môi trường Việt Nam gồm những thành phần cơ bản nào?

    Ngày 07/03/2024 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mạng lưới quan trắc môi trường Việt Nam có 9 thành phần cơ bản được cụ thể như sau:

    1. Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí

    Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí xung quanh tại 216 điểm quan trắc chất lượng không khí trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 106 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 110 điểm quan trắc chất lượng không khí. Trong số 216 điểm được quy hoạch sẽ bao gồm 103 điểm quan trắc đang được thực hiện, 98 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 và 15 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030.

    - Tần suất quan trắc

    + Giai đoạn 2021 - 2025: tối thiểu 08 đợt/năm.

    + Giai đoạn 2026 - 2030: tối thiểu 12 đợt/năm.

    - Thông số quan trắc

    + Đối với các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục: tối thiểu bao gồm các thông số SO2, NO2, CO, O3, bụi PM10, bụi PM2,5.

    + Đối với điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ: tối thiểu bao gồm các thông số: SO2, NO2, CO, bụi TSP. Đối với 05 thành phố trực thuộc trung ương thì các thông số quan trắc tối thiểu bổ sung thêm thông số bụi PM2,5.

    2. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt

    Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt tại 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 368 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 131 điểm quan trắc chất lượng nước mặt. Trong số 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt được quy hoạch bao gồm 260 điểm quan trắc đang được thực hiện, 216 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 và 23 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030.

    - Tần suất quan trắc

    + Giai đoạn 2023 - 2025: tối thiểu 10 đợt/năm.

    + Giai đoạn 2026 - 2030: tối thiểu 12 đợt/năm.

    - Thông số quan trắc

    + Đối với các trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục: tối thiểu bao gồm các thông số pH, COD (hoặc TOC), TSS, DO. Khuyến khích mở rộng quan trắc đối với thông số Tổng Phosphor (TP) và tổng Nitơ (TN).

    + Đối với điểm quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ: tối thiểu bao gồm các thông số: pH, COD (hoặc TOC), BOD5, TSS, DO, NH4+, Tổng phosphor (TP), tổng Nitơ (TN), Tổng Coliform, Coliform chịu nhiệt. Đối với quan trắc nước tại các vị trí hồ thì bổ sung thêm thông số Chlorophyll a.

    3. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước cửa sông

    Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước cửa sông tại 76 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 32 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 44 điểm quan trắc tại các cửa sông trước khi đổ ra biển.

    - Hình thức quan trắc: quan trắc định kỳ.

    - Tần suất quan trắc

    + Giai đoạn 2021 - 2025: tối thiểu 08 đợt/năm.

    + Giai đoạn 2026 - 2030: tối thiểu 12 đợt/năm.

    - Thông số quan trắc: tối thiểu bao gồm các thông số pH, TOC, TSS, DO, NH4+, Tổng phosphor (TP), Tổng Nitơ (TN), Tổng Coliform.

    4. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ

    Tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại 70 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 43 điểm hiện có và mở rộng mới thêm 27 điểm quan trắc được quy hoạch thực hiện cho giai đoạn năm 2021 - 2030.

    - Tần suất quan trắc

    + Giai đoạn 2021 - 2025: tối thiểu 06 đợt/năm.

    + Giai đoạn 2026 - 2030: tối thiểu 08 đợt/năm.

    - Thông số quan trắc: tối thiểu bao gồm các thông số pH, DO, TSS, NH4+, PO43-, dầu mỡ khoáng.

    Lồng ghép các điểm quan trắc trầm tích biển trong 70 điểm quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ: căn cứ mạng lưới vị trí các điểm quan trắc chất lượng nước biển để lựa chọn các vị trí, thông số phù hợp để quan trắc trầm tích biển với tần suất tối thiểu 02 đợt/năm.

    5. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng biển gần bờ và xa bờ

    - Khu vực biển cần quan trắc: thực hiện quan trắc nước biển tại 39 khu vực ưu tiên quan tâm gồm có: vùng biển xa bờ gần đảo Bạch Long Vỹ; vùng biển Tây Hoàng Sa; khu vực biển quần đảo Trường Sa gồm 20 đảo nhỏ; khu vực biển thuộc thềm lục địa phía Nam gồm 14 giàn khoan; khu vực biển Tây Nam Bộ 01 giàn khoan, đảo Thổ Chu và đảo Phú Quốc.

    - Tần suất quan trắc: tối thiểu 02 đợt/năm.

    - Thông số quan trắc: tối thiểu bao gồm các thông số pH, As, Cd, Pb, Cr, Cu, Zn, Hg, Xyanua (CN-), dầu mỡ khoáng.

    6. Mạng lưới quan trắc chất lượng đất

    Chương trình quan trắc chất lượng đất quốc gia được xây dựng và thiết kế chi tiết theo các chương trình điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

    7. Mạng lưới quan trắc mưa axit

    Thiết lập lại mạng lưới quan trắc mưa axit tại 42 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 11 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 31 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong số 42 điểm quan trắc sẽ bao gồm 26 điểm được lồng ghép tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt hiện có và 16 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đang được xây dựng.

    - Tần suất quan trắc: theo trận mưa, theo ngày hoặc theo tuần.

    - Thông số quan trắc tối thiểu: nhiệt độ, pH, EC.

    8. Mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học

    Mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc, tiến tới sau năm 2030 mở rộng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học tại các hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao thuộc Danh mục Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    - Vị trí điểm quan trắc đa dạng sinh học: tại các khu bảo tồn thiên nhiên; hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học được thành lập.

    - Về hình thức quan trắc: quan trắc định kỳ.

    - Tần suất quan trắc đa dạng sinh học: 01 đợt/năm.

    - Chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học: thực hiện theo các chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học quy định tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

    9. Mạng lưới quan trắc nước dưới đất

    Thực hiện quan trắc tại 88 điểm/công trình quan trắc chất lượng nước dưới đất trên cơ sở mạng lưới quan trắc theo quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất với 60 công trình hiện có, 23 công trình quy hoạch triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030 và 05 công trình triển khai vào giai đoạn sau năm 2030.

    - Tần suất quan trắc: tối thiểu 04 đợt/năm

    - Thông số quan trắc tối thiểu: pH, TDS, chỉ số pecmanganat, NH4+, NO3-, Fe, As.

    Tuy nhiên Quy hoạch theo Quyết định 224/QĐ-TTg không bao gồm các trạm quan trắc mang tính đặc thù, phục vụ riêng theo nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

     

     
    97 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận