Hệ thống mã số tài khoản ngân hàng quốc tế (IBAN) đóng vai trò quan trọng như "kim chỉ nam" dẫn dắt các giao dịch thanh toán quốc tế diễn ra suôn sẻ và chính xác
(1) Mã IBAN là gì?
IBAN là viết tắt của International Bank Account Number, nghĩa là Số tài khoản ngân hàng quốc tế. Đây là một hệ thống mã số chuẩn được sử dụng để xác định tài khoản ngân hàng trong các giao dịch thanh toán quốc tế. Mã IBAN giúp đơn giản hóa và chính xác hóa việc chuyển tiền giữa các quốc gia khác nhau, giảm thiểu sai sót và tăng hiệu quả cho giao dịch.
Cấu trúc của một mã IBAN bao gồm tối đa 34 ký tự, được chia thành các phần sau:
- Mã quốc gia (2 ký tự): Mỗi quốc gia tham gia hệ thống IBAN được gán một mã quốc gia riêng. Ví dụ: VN cho Việt Nam, FR cho Pháp, DE cho Đức,...
- Mã kiểm tra (2 ký tự): Giúp xác minh tính chính xác của mã IBAN.
- Mã ngân hàng (8 ký tự): Xác định ngân hàng thụ hưởng.
- Số tài khoản (16-20 ký tự): Xác định tài khoản cụ thể của chủ sở hữu.
Ví dụ một mã IBAN của một ngân hàng tại Đức sẽ có cấu trúc như sau: DE8410426000509000001234567.
(2) Chức năng và mục đích ra đời của mã IBAN
Về chức năng, IBAN đóng vai trò quan trọng trọng việc thực hiện chuyển khoản hoặc nhận bất kỳ khoản thanh toán quốc tế nào giữa các ngân hàng.
Mã IBAN cho phép người chuyển xác định được quốc gia mà khoản tiền đang hướng tới, số tài khoản mà tiền sẽ được gửi trong quốc gia đó và giúp cho việc kiểm tra lại tính chính xác các thông tin của tài khoản một cách dễ dàng, hiệu quả.
Trước đây khi chưa có IBAN, các giao dịch chuyển tiền quốc tế thường sẽ không đến đúng địa chỉ tài khoản và cần một khoản tiền để khắc phục sự cố này. Do đó, mục đích ra đời của IBAN là giúp giảm thiểu sai sót trong chuyển khoản qua ngân hàng quốc tế và các giao dịch tài chính khác được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Tuy nhiên, hiện nay mã IBAN chỉ đang phổ biến ở Châu Âu, ở Việt Nam chúng ta sử dụng mã SWIFT thay cho mã IBAN.
Do đó, tại Việt Nam, IBAN Number chỉ được sử dụng duy nhất trong giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam sang các quốc gia có sử dụng mã IBAN.
Khi chuyển tiền đến tài khoản ở các quốc gia có sử dụng IBAN, bạn cần cung cấp đầy đủ những thông tin sau đây:
- Họ và tên của người nhận tiền.
- Mã IBAN của người nhận.
- Số SWIFT/BIC
(3) Tiêu chuẩn đăng ký mã IBAN như thế nào?
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6744-2:2008, cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của mỗi nước phải đệ trình ý tưởng của quốc gia phù hợp với định dạng IBAN theo từng nước.
Khi áp dụng cũng có thể đăng ký theo IBAN của ISO, các dữ liệu bắt buộc và khuyến nghị được quy định trong TCVN 6744-1, như sau:
- Tên nước
- Mã nước theo TCVN 7217-1 (ISO 3166-1)
- Độ dài của IBAN, chiều dài tối đa ba mươi tư ký tự
- Vị trí và độ dài của nhận dạng ngân hàng trong BBAN
- Cấu trúc IBAN
- Kết nối chi tiết đến từng cá nhân hoặc chủ thể có thể kết nối bởi cơ quan đăng ký, họ sẽ trả lời câu hỏi và có trách nhiệm cập nhật các thông tin đăng ký.
Lưu ý: Kết nối chi tiết theo yêu cầu đối với việc đăng ký định dạng IBAN, nhưng những thông tin sẽ không công bố công khai, trừ khi được sự nhất trí của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia hoặc ngân hàng trung ương quốc gia.
Ngoài ra yêu cầu về đăng ký định dạng IBAN phải thêm vào các dữ liệu sau:
- Mẫu nhận dạng của ngân hàng (trong trường hợp sử dụng BBAN)
- Mẫu số tài khoản nội bộ
- Mẫu mã số tài khoản ngân hàng trong nước (trong trường hợp sử dụng BBAN)
- Cấu trúc BBAN và độ dài BBAN
- Mẫu IBAN, trong cả hai định dạng điện tử và văn bản
Cuối cùng, định dạng IBAN đăng ký với Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ngân hàng Châu Âu (ECBS) trong báo cáo kỹ thuật số 201 sẽ được chấp nhận như là một phần của IBAN đăng ký có hiệu lực ngay.