Có rất nhiều trường hợp người lao động vì những lý do cá nhân, chủ quan hoặc khách quan dẫn tới việc phải nghỉ làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong một tháng thì sẽ ảnh hưởng tới việc đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể thì căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì người lao động (NLĐ) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Như vậy, nếu trong một tháng mà người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng đó thì sẽ không đóng bảo hiểm xã hội. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này là nếu tháng đó có số ngày làm việc thực tế là 26 ngày nhưng người lao động đi làm có 12 ngày và nghỉ việc, không hưởng lương 14 ngày thì tháng đó sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội theo quy định trên.
Khi trong công ty có trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì khi đó công ty sẽ phải tiến hành thủ tục báo giảm lao động. Và tháng sau đó, khi người lao động làm việc lại bình thường thì công ty lại tiến hành thủ tục báo tăng lao động và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đó.
Đây là một vấn đề quan trọng mà người lao động cũng như người sử dụng lao động cần nắm được để áp dụng vào việc xác định đóng bảo hiểm xã hội.