Lương tối thiểu 2021: Phiên đàm phán sáng 5/8 sẽ chốt phương án cuối cùng?

Chủ đề   RSS   
  • #554395 05/08/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Lương tối thiểu 2021: Phiên đàm phán sáng 5/8 sẽ chốt phương án cuối cùng?

    “Trước ảnh hưởng của dịch Covid -19, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại được và bảo vệ được việc làm cho người lao động. Lương tối thiểu vùng 2021 vì thế dự báo khó điều chỉnh tăng”.

    Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - trao đổi với PV Báo Dân trí về dự báo mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 trước phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra sáng 5/8.

    Khó điều chỉnh tăng

    Ông Phạm Minh Huân nhận định: “Với tình hình khó khăn hiện nay, việc duy trì được mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2020 trong năm 2021 cũng đã rất khó khăn. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 chắc chắn không thể thực hiện được”.

    Lý giải cho nhận định này, ông Phạm Minh Huân cho biết dựa trên những cơ sở như tình trạng lao động mất việc nhiều, “sức khỏe” doanh nghiệp yếu, cung cầu lao động không gặp nhau, căn cứ điều chỉnh tăng lương không có…

    Trước đó, Bộ luật Lao động 2012 tại khoản 2 Điều 91 đã nêu rõ các tiêu chí xác định mức lương tối thiểu vùng bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

    Trong bối cảnh hiện tại, dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên minh châu Âu EU, Mỹ…

    Điều này dẫn đến "đứt gãy" chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ. Khi các công ty không có nguyên liệu sản xuất và đơn đặt hàng thì công nhân sẽ không có việc làm.

    Tại Việt Nam, Covid-19 đã quay trở lại sau 99 ngày không có lây nhiễm cộng đồng. Diễn biến mới của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam vốn đã rất khó khăn từ sau đợt dịch đầu năm.

    “Tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, người lao động cần có sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Điều quan trọng là DN phải tồn tại trước đã, có vậy mới bảo vệ được việc làm cho người lao động”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

    Cần chia sẻ khó khăn

    Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - cũng cho rằng, không nên điều chỉnh tăng lương trong bối cảnh hiện tại. Bởi tình hình doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động.

    Chính phủ cũng đã phải xem xét, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

    “Hiện tại, tôi cho rằng cần tránh việc tăng lương, phát sinh chi phí thường xuyên của doanh nghiệp. Nếu tăng lương, doanh nghiệp không đáp ứng được, phải ngừng hoạt động thì lao động sẽ không có việc làm”, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương nói.

    Bà Lan Hương cũng nhấn mạnh, việc chưa điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng góp phần bảo đảm việc làm, bảo đảm an sinh lao động. Người lao động thậm chí buộc phải chấp nhận tình trạng giãn việc, giảm giờ làm, thay đổi hình thức làm việc, giảm lương để vẫn có thể duy trì được việc làm, tránh thất nghiệp.

    Theo vị chuyên gia này, sự chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là cách để người lao động tự giúp chính mình.

    Trước đó, Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra ngày 23/6 tại Quảng Ninh. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

    Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức ương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

    Phương án 2: Từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).

    Tại phiên họp này, đại diện các bên vẫn chưa đi đến thống nhất về việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

    Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 ở 4 vùng lương ra sao?

    Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

    Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

    Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

    Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

    Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% so với lương tối thiểu của năm 2019 (tương ứng với mức tăng từ 150.000-240.000 đồng, tuỳ từng vùng).

    Theo Dân trí

     

    Cập nhật bởi MinhPig ngày 05/08/2020 09:55:00 SA
     
    2917 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận