Theo quy định hiện nay, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, người lao động nữ được tính thêm 3%, còn người lao động nam được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Tuy nhiên, theo cách tính lương hưu mới quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm; đối với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Với việc thay đổi cách tính này, người lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như hiện nay, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75%. Với cách tính như trên, từ năm thứ 16 trở đi thay vì được cộng 3% như trước đây, lao động nữ chỉ được cộng 2%, có nghĩa là lao động nữ sẽ bị hụt mất 10% tổng quỹ tiền lương hưu. Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Như vậy, để hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75%, cả nam và nữ phải kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm so với hiện hành.