Từ ngày 01/7/2016, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 bắt đầu có hiệu lực, dẫn đến việc hàng loạt văn bản sẽ hết hiệu lực do có quy định tại Khoản 4 Điều 154 “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Ban đầu đọc quy định này, tôi rất mừng vì sẽ bỏ đi sự chồng chéo quy định giữa các văn bản pháp luật cũ và văn bản pháp luật mới, tạo sự thuận lợi hơn cho người thực thi, áp dụng văn bản pháp luật. Nhưng ngày 01/7/2016 càng đến gần tôi thấy lo nhiều hơn là mừng, bởi:
- Quy định này giúp cho cơ quan ban hành đỡ được khâu “rà soát lại” văn bản cũ, nhưng lại làm khó người thực thi như tôi đây, bởi việc xác định văn bản hướng dẫn chỉ mang tính chất tương đối, ngoại trừ nhiều văn bản ghi rõ “Nghị định…quy định chi tiết thi hành Luật…”
- Rồi nếu Luật đã có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn thì dựa vào đâu để áp dụng?
Thêm cái nữa, hồi tháng 4/2016 vừa rồi, Chính phủ có tổ chức phiên họp thường kỳ trong đó có bàn về chuyện nếu như chưa có văn bản hướng dẫn Luật mới thì Chính phủ sẽ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của Luật, pháp lệnh. Vậy nghĩa là việc thực thi vẫn chưa sát sao, thống nhất như Luật đã định?
- Còn khoảng hơn 10 ngày nữa thôi là đến 01/7, các cơ quan, ban ngành đang “gấp rút” ban hành văn bản hướng dẫn, bỏ qua cả khâu đưa ra dự thảo, lấy ý kiến, đánh giá tác động…Điều này làm tôi lo sợ rằng, ban hành “vội” rồi người thực thi như chúng tôi sẽ ra sao đây?
Trên đây là vài dòng tâm tư của tôi trước khi hàng loạt các văn bản “bị khai tử”, còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?