“Trước đây do lấy những nền tảng của xã hội loài người làm thước đo để suy đoán, tôi đinh ninh luật rừng là luật lệ tàn khốc của sự hỗn độn, của cuộc đấu tranh sinh tồn, một cuộc đấu tranh quyết liệt đến mức không dung tha để giành lấy khoảng không gian và những ưu thế tồn tại: thú dữ ăn thịt thú lành, thú lớn lấn át và tiêu diệt thú bé.
Người ta có thói quen coi luật rừng là luật của sức mạnh. Khi một đội bóng chơi thô bạo, người ta bảo họ chơi "rừng". Khi những kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, người ta bảo họ hành động theo "luật rừng".
Hoàn toàn không đúng như vậy.
Luật rừng trước hết là sự khôn ngoan để duy trì sự tồn tại của chính mình và của dòng giống. Mọi loài thú, kể cả những loài có sức mạnh nhất, bao giờ cũng muốn nhìn thấy kẻ khác nhưng lại không muốn kẻ khác nhìn thấy mình. Vì thế không khi nào chúng gây gổ một cách vô ích, để lộ sự có mặt của chúng. Cả đến con cọp, dù có thể xếp vào hàng chúa tể của rừng, cũng luôn hành động khôn ngoan nhưvậy. Nó không khi nào dựa vào sức mạnh để tự cho phép mình làm những điều mù quáng. Nó lảng tránh bầy voi, lảng tránh con beo, con lợn độc, lảng tránh cả con người và chỉ nhận sự đối đầu trong những trường hợp bắt buộc.
Trong rừng không bao giờ thấy có những cuộc chiến tranh cùng loài như trong xã hội loài người. Một bầy voi không bao giờ đánh nhau với một bầy voi. Một gia đình báo không bao giờ xung đột với một gia đình báo khác.
Đôi khi cũng xảy ra tranh giành giữa hai cá thể cùng loài nhưng không bao giờ cuộc xung đột ấy dẫn đến sự tiêu diệt đối thủ. Ngay trong cơn giận dữ, do bản năng bảo tồn dòng giống, chúng cững biết khi nào thì nên thôi.
Khi hai con cọp đánh nhau - chúng không bao giờ đánh nhau để tranh mồi mà đánh nhau để tranh giành con cái - chỉ một lát sau con yếu hơn sẽ nhảy ra ngoài vòng chiến, nằm rạp xuống để tỏ ý khuất phục. Lập tức con mạnh hơn sẽ ngừng lại cho con yếu được tự do bỏ đi.
Khi hai con voi đọ sức để tranh giành thứ bậc trong bầy thì cũng thế: con yếu sẽ lùi lại và buông thõng vòi xuống. Đó là dấu hiệu đầu hàng trong loài voi. Con mạnh hơn thấy dấu hiệu đó sẽ ngừng lại.
Luật rừng thứ hai là sự cố gắng sửa đổi các tập tính, hình thành những thói quen mới để thích nghi với hoàn cảnh sống”.
(Trích tác phẩm “Sống giữa bầy voi”, Nhà văn Vũ Hùng, NXB Kim Đồng)