Tôi xin có một số ý kiến để bạn tham khảo
1. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao
1.1. Trình tự thực hiện:
a) Bước 1: Tổ chức, cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, nộp hồ sơ tại Phòng Y tế (Trung tâm Y tế) cấp huyện.
Cán bộ phụ trách chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ: Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn trao cho người nộp; trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ trong giờ làm việc từ thứ hai đến thứ Sáu hàng tuần, trừ ngày nghỉ theo quy định.
b) Bước 2: Thông báo nộp phí thẩm định để tổ chức, cá nhân đến nộp tiền tại Trung tâm y tế (Phòng Y tế).
c) Bước 3: Thành lập đoàn kiểm tra thực địa lập biên bản thẩm định thành 02 bản, đoàn thẩm định giữ 01 bản và chủ cơ sở giữ 01 bản, có giá trị như nhau.
Kết quả thẩm định phải ghi rõ “Đạt” hoặc “Không đạt”. Trường hợp “Không đạt” phải ghi rõ lý do.
- Trường hợp “Không đạt”, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng ), nếu kết quả thẩm định lại vẫn “Không đạt” thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
- Trường hợp “Đạt”, đoàn thẩm định chuyển toàn bộ hồ sơ và biên bản cho Đội trưởng đội y tế dự phòng để trình lãnh đạo Phòng Y tế (Trung tâm y tế) thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận.
d) Bước 4: Tổ chức, cá nhân nhận kết quả giải quyết tại Phòng Y tế (Trung tâm y tế) cấp huyện.
Cán bộ trả Giấy chứng nhận kiểm tra chứng từ nộp lệ phí; Yêu cầu người đến nhận Giấy chứng nhận nộp lại giấy biên nhận hồ sơ ký nhận vào sổ theo dõi; trường hợp nhận thay phải có văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực.
Thời gian trả kết quả trong giờ làm việc từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, trừ ngày nghỉ theo quy định.
1.2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Phòng Y tế ( Trung Tâm y tế) cấp huyện.
1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (có mẫu kèm theo).
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm: Bản vẽ sơ đồ mặt bằng cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu vực xung quanh; Bản mô tả quy trình chế biến ( quy trình công nghệ ) cho nhóm sản phẩm hoặc mỗi sản phẩm đặc thù.
- Bản cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh (có mẫu kèm theo).
- Bản sao công chứng “ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe” của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Đối với cơ sở đãhệ áp dụng thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP ( phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn ), thì trong hồ sơ phải có bản sao công chứng Giấy chứng nhận HACCP.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
1.4. Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1.5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do huyện cấp giấy phép kinh doanh; các cửa hàng ăn, các căng-tin, nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, khách sạn không thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận; trường phổ thông cơ sở; các lễ hội, hội nghị, các khu du lịch, chợ và bệnh viện do cấp huyện tổ chức và quản lý.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nguy cơ cao, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm bao gói đơn giản, kinh doanh hàng tươi sống, không bao gói; các quán ăn, các quầy bán thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay trong ngày và các chợ, khu du lịch, các lễ hội, hội nghị do xã tổ chức và quản lý; các trường tiểu học, mầm non không thuộc diện quản lý của cấp trên.
1.6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Y tế (Trung tâm Y tế).
1.7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận.
1.8. Lệ phí:
a) Lệ phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp Giấy chứng nhận áp dụng hệ thống GHP, HACCP: 50.000 đồng 1 lần cấp.
b) Phí thẩm định, kiểm tra định kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm (Cơ sở có sản lượng nhỏ hơn 20 tấn/năm): 200.000 đồng/lần/cơ sở.
1.9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
b) Bản cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm.
1.10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
a) “ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe” của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh.
b) Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
c) Giấy chứng nhận HACCP (đối với cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP ).
1.11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Quyết định số 11/2006/QĐ - BYT ngày 09/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Về việc ban hành “Quy chế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao”;
Quyết định số 80/2005/QĐ - BTC ngày 17/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính v/v quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cập nhật bởi MAIHANHDUNG vào lúc 03/09/2009 17:34:21