Là một sinh viên luật, mình cũng từng trải qua cảm giác “sợ” đối với các môn học, trong đó có môn Luật Hành chính. Trước khi học môn này, mình cũng từng nghe các anh chị khóa trên nói về mức độ “khó” của nó, thậm chí mình còn nghe kể có nhiều người học lại môn này rất nhiều lần. Tuy nhiên, khi học và kết thúc môn với một kết quả khá tốt thì mình cảm thấy môn này không khó như mình đã từng nghĩ. Mình xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm của mình và bạn mình khi học môn “thần thánh” này.
1. Ghi chú thật cẩn thận
Việc ghi chú khi đi học là điều cần thiết ở tất cả các môn. Tuy nhiên, đối với một ngành luật chuyên biệt điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước thì việc ghi chú là điều các bạn đặc biệt quan tâm. Theo mình thì các bạn nên ghi chú đến từng chi tiết nhỏ nhất trong những gì thầy cô đề cập đến trong bài giảng của mình vì đó rất có thể là chìa khóa hữu ích để các bạn giải khóa được những bài tập, những câu hỏi khó ở môn học này. Để làm được điều này, các bạn phải chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài hoặc những phần thuyết trình của các bạn trong lớp. Nếu chúng ta bỏ lỡ một vài bài giảng thì chúng ta nên hỏi lại những người bạn của mình về những ghi chú trong bài giảng đó. Đến mùa thi thì những ghi chú ấy sẽ là vũ khí lợi hại để các bạn có thể chinh chiến và vượt qua những bài thi hóc búa.
2. Đọc văn bản pháp luật
Theo mình, đọc văn bản pháp luật được xem như là một kỹ năng cần thiết mà sinh viên Luật chúng ta cần rèn luyện hằng ngày. Đối với Luật Hành chính, một môn học mà chúng ta phải tiếp xúc với một số lượng văn bản pháp luật khá lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực và việc thẩm thấu hết các văn bản ấy để đi thi thì đó là điều tưởng chừng như không thể. Đến đây, để có thể nắm gọn các văn bản ấy trong lòng bàn tay thì chúng ta cần thiết phải có kỹ năng đọc và hiểu văn bản pháp luật.
Mình thấy rằng, khi học Luật Hành chính quan trọng là chúng ta phải nắm được Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể. Trước khi các bạn muốn vận dụng các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể thì các bạn phải nắm chắc được những quy định ở Luật Xử lý vi phạm hành chính, vì đó là những quy định nền tảng cho những quy định của những Nghị định có liên quan. Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, các bạn nên đọc kỹ và đừng nên bỏ qua phần Những quy định chung và phần Những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính hay nói cách khác là phần đầu và phần cuối văn bản, những phần này các bạn thường hay bỏ qua khi đọc các văn bản pháp luật, tuy nhiên nó là phần rất quan trọng vì nó quy định những nguyên tắc, những vấn đề nền tảng để chúng ta có thể hiểu và áp dụng các quy định trong văn bản. Sau khi hiểu được những vấn đề nền tảng thì chúng ta sẽ đọc và hiểu các Nghị định có liên quan một cách dễ dàng hơn. Đối với những Nghị định quy định xử phạt hành chính ở những lĩnh vực cụ thể, cấu trúc thông thường của những văn bản này sẽ gồm có 3 phần: Phần quy định chung, phần xử phạt và phần thẩm quyền. Khi đọc các văn bản này, các bạn chỉ cần đọc kỹ phần những quy định chung và phần thẩm quyền. Bởi vì hai phần này rất quan trọng khi các bạn áp dụng giải bài tập. Đọc phần này các bạn sẽ biết được ở văn bản này những mức phạt đối với các hành vi là áp dụng đối với đối tượng nào, các hình thức xử phạt và ai có thẩm quyền xử phạt…Sau đó chúng ta vận dụng những quy định nền tảng của Luật Xử lý vi phạm hành chính về các nguyên tắc xử phạt, nguyên tắc xác định thẩm quyền… Tổ hợp những điều này lại thì chúng ta sẽ giải quyết bài tập một cách hoàn hảo.
Ví dụ: Tình huống đặt ra là A (19 tuổi) chở B (17 tuổi) và C (21 tuổi) bằng xe máy và cả ba người điều không đội mũ bảo hiểm. Xác định hành vi vi phạm và mức xử phạt của từng người?
- Trong tình huống này, chúng ta xác định ngay là tình huống này xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xử phạt đối với phương tiện là xe môto, xe máy. Chúng ta sẽ dùng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để xử phạt.
- Nhìn vào độ tuổi, A và C là người thành niên, B là người chưa thành niên. Thì chúng ta sẽ dựa vào nguyên tắt xử phạt đối với người thành niên và người chưa thành niên để xử phạt.
Cuối cùng là chỉ cần dựa vào Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông mà xem xem A, B, C phạm tội gì và mức phạt như thế nào nhé.
Chú ý:
A, B, C mỗi người có thể vi phạm nhiều hành vi, chúng ta cần xem xử phạt người vi phạm nhiều hành vi như thế nào (nguyên tắt xử phạt ở Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Các bạn cần chú ý là xem hành vi vi phạm đó có bị xử phạt bổ sung hay áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không, từ đó xác định thẩm quyền một cách chính xác.
Người có thẩm quyền xử phạt đối với một hành vi là người có thẩm quyền xử phạt đối với tất cả các hình phạt áp dụng cho hành vi đó. Ví dụ: Hành vi X được quy định phạt là 5 triệu đồng, có hình thức phạt bổ sung là tịch thu phương tiện giao thông trong 3 tháng. Công an xã có thẩm quyền phạt tiền 5 triệu nhưng không được phạt bổ sung thì Công an xã không có thẩm quyền phạt đối với hành vi này.
3. Đọc đề/tình huống
Khi nhận được đề thi hoặc một tình huống trong thực tế, chúng ta phải thật cẩn trọng trong việc đọc đề hoặc tình huống, đặc biệt là với tình huống về hành chính. Chúng ta không bỏ qua cho dù chỉ một từ trong đề. Chúng ta cần làm nổi bật những chi tiết cần chú ý trong đề để khi giải quyết chúng ta không bị thiếu sót dẫn đến sai sót cho toàn bộ bài tập. Những chi tiết trong bài tập hành chính thường có mối liên kết với nhau, nếu thiếu sót hoặc sai một chi tiết cũng có thể dẫn đến sự sai sót cho toàn bộ bài tập.
Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân mình đúc kết và theo mình thì nếu làm tốt những điều này thì Luật Hành chính sẽ không còn là nỗi ám ảnh của sinh viên Luật nữa. Hy vọng nhận được những chia sẽ từ các anh/chị/bạn bè trong Cộng đồng Dân luật nhé!
Cập nhật bởi taigioi1995 ngày 02/06/2017 08:51:50 CH
Cập nhật bởi taigioi1995 ngày 02/06/2017 08:30:50 CH