Trải qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Dược 2005 bộc lộ nhiều điểm bất cập, thiếu sót và cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện nay. Nắm được nhu cầu đó, tại kỳ họp Quốc hội thứ 11 khóa XIII vừa qua, đã thống nhất thông qua Luật Dược 2016 với 116 Điều và 14 chương. Cụ thể:
Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương II: CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ DƯỢC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC
Chương III: HÀNH NGHỀ DƯỢC
Chương IV: KINH DOANH DƯỢC
Chương V: ĐĂNG KÝ, LƯU HÀNH, THU HỒI THUỐC VÀ NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC
Chương VI: DƯỢC LIỆU VÀ THUỐC CỔ TRUYỀN
Chương VII: ĐƠN THUỐC VÀ SỬ DỤNG THUỐC
Chương VIII: THÔNG TIN THUỐC, CẢNH GIÁC DƯỢC VÀ QUẢNG CÁO THUỐC
Chương IX: DƯỢC LÂM SÀNG
Chương X: QUẢN LÝ THUỐC TRONG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
Chương XI: THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG, THỬ TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC CỦA THUỐC
Chương XII: QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VÀ VIỆC KIỂM NGHIỆM THUỐC, NGUYÊN LIỆU LÀM THUỐC, BAO BÌ TIẾP XÚC TRỰC TIẾP VỚI THUỐC
Chương XIII: QUẢN LÝ GIÁ THUỐC
Chương XIV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Luật Dược 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Luật Dược 2005.
Riêng các quy định về áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc tại cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở sản xuất tá dược, vỏ nang, cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, dược lâm sàng của cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc và các cơ sở khác có hoạt động kê đơn sử dụng thuốc sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết lộ trình nêu trên, bảo đảm đến ngày 01/01/2021, các bệnh viện từ hạng 1 trở lên phải tổ chức hoạt động dược lâm sàng, tất cả các vị trí sau đây phải có chứng chỉ hành nghề dược:
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược.
- Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 06/05/2016 09:43:58 SA