Mấy hôm nay, cư dân mạng đang rất quan tâm đến câu chuyện “Liệu các ông lớn như Google, Facebook có phải rút khỏi thị trường Việt Nam khi mà hoạt động chưa có Giấy phép, chưa có Văn phòng đại diện không?”
Nhiều bạn phản đối điều khoản quy định buộc các ông lớn này phải có Giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…tại Dự thảo Luật an ninh mạng:
Điều 39. An ninh thông tin mạng
…
5. Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
|
Với rất nhiều lý do, nhưng mình biết lý do chính là các bạn “không thể sống thiếu” Facebook, Google – là các ông lớn mà Dự luật này đang nhắm đến.
Bởi căn cứ điều khoản trên, các ông lớn sẽ không được phép hoạt động tại Việt Nam nếu không tuân thủ pháp luật nước này.
Mọi điều luật được ban hành đều có lý do nhất định, lý do chính là bảo vệ an ninh quốc gia, rồi đến bảo vệ người dùng (xét lợi ích chung của đất nước mới tính đến lợi ích riêng của cá nhân), vì vậy các bạn khoan hãy vội phản đối mà cần xét đến những tình huống thực tế sau:
Tình huống 1: Khi bạn sử dụng gmail, facebook, nhỡ họ làm lộ thông tin bảo mật của bạn, vậy thì bạn sẽ kiện họ ở đâu? Kiện trong nước không được rồi bạn ra nước ngoài, nhưng là nước nào để kiện về tội vi phạm bí mật thông tin cá nhân đây để đòi lại quyền lợi cho mình?
Tình huống 2: Hoặc khi thông qua các công cụ chat chit, email các thứ của Google, Facebook, bạn bị lừa đảo, và mất một số tiền lớn bởi cá nhân đó là người nước ngoài, vậy bạn sẽ nhờ ai giải quyết? Tòa án Việt Nam có giải quyết không?
…
Và có rất nhiều trường hợp mà người dùng có thể bị thiệt hại, cần có hành lang pháp lý cụ thể, nhất là nước ta trong giai đoạn hội nhập, mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam, chúng ta cần thiết lập sân chơi chung cho tất cả đều bình đẳng, có như vậy, mới tăng cơ hội cạnh tranh và hơn hết là bảo vệ quyền lợi người dùng.
Thử hỏi, cùng là một trang tìm kiếm nhưng trang tìm kiếm do người Việt tạo ra buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam, nên sẽ gặp rất nhiều rào cản ban đầu để hình thành và sau đó là phát triển, trong khi đó, trang tìm kiếm của nước ngoài lại không buộc làm điều đó vì không có hành lang pháp lý buộc họ phải làm điều đó, vậy thì đâu là sự công bằng?
Tất nhiên, kẻ không bị trói chân sẽ thỏa sức để phát triển, nhưng phát triển như thế nào, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực thì không thể biết được, còn kẻ bị trói chân quá chặt thì chắc chắn sẽ khó phát triển.
Vậy nên, theo mình, điều khoản nêu trên tại Dự thảo Luật an ninh mạng là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực viễn thông, internet, vừa đảm bảo an ninh quốc gia và người tiêu dùng.