Từ sự việc quán bún bò có biển quảng cáo “độc” bị tịch thu rồi sau đó được trả lại và phường sẽ tổ chức cuộc họp phê bình những người trực tiếp tạm giữ bảng nội quy mang tính chất hài hước của anh chủ quán này vì lỗi đã vội vàng xử lý sai quy trình…làm mình nghĩ đến bài học về lời “xin lỗi”.
Mình vẫn còn nhớ khi còn nhỏ, thời còn học mẫu giáo, đến trường cô giáo luôn dạy các trò rằng:
Khi ai làm điều gì đó giúp mình thì mình phải nói “cám ơn”, và khi mình gây ra lỗi với người nào đó thì phải mình phải nói “xin lỗi” với họ.
Thoạt đầu, bài học vỡ lòng có vẻ rất dễ dàng, mới học nên ai cũng có thể áp dụng, nhưng càng lớn thì mình thấy bài học đó không dễ dàng như chúng ta vẫn được học thuở nhỏ.
Một số trường hợp thực tế nêu ra là ví dụ điển hình:
Trường hợp 1: Quán bún bò có biển quảng cáo “độc” đã bị UBND phường tịch thu với lý do có nội dung phản cảm rồi mấy ngày sau thì biển “quảng cáo” được trả lại và nói rằng sẽ phê bình những người tạm giữ bảng này vì lỗi làm sai quy trình…trong khi đó, không thấy họ nói sẽ xin lỗi anh chủ quán. Mặc dù thực tế, trước và sau khi biển này bị tịch thu thì quán vẫn đông khách, nhưng việc tịch thu cũng ảnh hưởng ít nhiều đến danh tiếng của chủ quán.
Trường hợp 2: Mặc dù lúc nhỏ mình được học như vậy, nhưng đến khi lớn lên đi học, khi bắt gặp cô giáo phạt oan một bạn cùng lớp. Sau đó nhờ sự minh oan của một nhóm học sinh trong lớp thì bạn đó không bị cô phạt nữa, cô chỉ dịu giọng và yêu cầu bạn về chỗ ngồi, nhưng không nói lời “xin lỗi” với bạn đó.
Và hàng loạt các vụ sai phạm khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân nhưng chưa có lời xin lỗi...
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp rất đáng để học hỏi như mới đây nhất là UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã gửi hơn 400 thư xin lỗi dân với lý do trễ hẹn, VKSND TP.HCM đăng 3 số báo liên tiếp công khai xin lỗi, khôi phục danh dự cho ông Trương Bá Nhàn và bồi thường 296 triệu đồng.
Một tâm lý chung mà rất nhiều người mắc phải là nói lời “xin lỗi” sẽ “rất quê”…
Xin lỗi là một cách để nhận sai lầm về phía mình, sửa chữa sai sót, đồng thời cũng là thể hiện thái độ tôn trọng với người mình đã gây ra lỗi.