Điều 33 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định: “Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng là hành vi của doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện dưới một trong các hình thức sau:
1. Đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không cần thông báo trước cho khách hàng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.
2. Đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết căn cứ vào một hoặc một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.’’
Dấu hiệu nhận dạng hành vi là:
Đơn phương thay đổi hợp đồng ở đây có thể được hiểu bao gồm thay đổi về nội dung hoặc thay đổi về chủ thể của hợp đồng.
Doanh nghiệp độc quyền đã không có lý do chính đáng khi thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã ký kết.
Doanh nghiệp độc quyền không có lý do chính đáng khi:
Không cần thông báo trước cho khách hàng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.
Căn cứ vào một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện hợp đồng và không phải chịu biện pháp chế tài nào.
Đối với doanh nghiệp độc quyền, họ là người duy nhất cung ứng hàng hóa dịch vụ đó trên thị trường, lợi dụng yếu tố này họ có thể tự nhiên thay đổi, chấm dứt hợp đồng mà không có lý do và không cần thông báo.
Như vậy, Nghị định 116/2005/NĐ-CP đưa ra điều kiện cần để xác định dấu hiệu ‘’không có lý do chính đáng’’ của hành vi thể hiện ở cả góc độ hình thức lẫn góc độ nội dung. Dưới góc độ hình thức (thủ tục), đó là doanh nghiệp có vị trí độc quyền đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo trước. Dưới góc độ nội dung, lý do không được coi là chính đáng nếu không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng. Dù dưới góc độ nào thì điều kiện đủ để xác định hành vi vi phạm này là doanh nghiệp có vị trí độc quyền không phải chịu biện pháp chế tài nào.