Thành lập văn phòng công chứng cần đáp ứng những điều kiện gì? Hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động văn phòng công chứng ra sao? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
(1) Điều kiện về loại hình doanh nghiệp
Căn cứ tại khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng 2014 thì Văn phòng công chứng được thành lập dưới loại hình công ty hợp danh.
Tuy nhiên, Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
(2) Điều kiện về người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng
Căn cứ tại Điều 8, khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng 2014 quy định về điều kiện người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng như sau:
- Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
- Tiêu chuẩn Công chứng viên được quy định như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
+ Có bằng cử nhân luật;
+ Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
+ Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Công chứng 2014;
+ Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
+ Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
(3) Điều kiện về tên gọi của Văn phòng công chứng
Tên gọi của Văn phòng công chứng được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Công chứng 2014, cụ thể:
Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
(4) Điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định về trụ sở của Văn phòng công chứng như sau:
Trụ sở của Văn phòng công chứng phải có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng.
(5) Điều kiện về con dấu của Văn phòng công chứng
- Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
- Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy.
- Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Trình tự thủ tục và hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng
(1) Hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng
Thành phần hồ sơ thành lập VP công chứng bao gồm:
- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;
- Đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
Nơi nộp hồ sơ: Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thời hạn giải quyết: 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(2) Đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.
- Nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng bao gồm:
+ Tên gọi của Văn phòng công chứng;
+ Họ tên Trưởng Văn phòng công chứng;
+ Địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng;
+ Danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
+ Danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có).
- Hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng gồm:
+ Đơn đăng ký hoạt động;
+ Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập;
+ Hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có).
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Văn phòng công chứng được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
Tham khảo: Phân biệt lập vi bằng, công chứng, chứng thực
Tiêu chí so sánh
|
Công chứng
|
Chứng thực
|
Khái niệm
|
Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
|
Chứng thực là việc cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
|
Trường hợp thực hiện
|
Các trường hợp bắt buộc công chứng, chứng thực:
- Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, trừ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân.
- Các trường hợp mà pháp luật không quy định phải bắt buộc công chứng nhưng cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu.
|
- Hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải chứng thực.
- Hợp đồng, giao dịch mà pháp luật không quy định phải chứng thực nhưng cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu chứng thực.
|
Phạm vi thực hiện
|
Chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.
|
Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực tại bất kỳ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thuận tiện nhất, trừ trường hợp việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.
|
Giá trị pháp lý
|
- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
|
- Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chữ ký được chứng thực theo quy định có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
|
Phạm vi trách nhiệm của cơ quan/ tổ chức/ người có thẩm quyền thực hiện
|
Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch: thời gian, địa điểm; tư cách chủ thể của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; tình trạng pháp lý của tài sản được giao dịch; nội dung thỏa thuận của các bên.
|
Người chứng thực chịu trách nhiệm về:
- Tính chính xác của bản sao đúng với bản chính.
- Tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản.
- Thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
|
Cơ quan thực hiện
|
Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể do công chứng viên thực hiện (được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm)
|
Cơ quan nhà nước như phòng tư pháp, UBND cấp xã; cơ quan đại diện ngoại giao.
Cụ thể do:
- Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng;
- Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
|
Chi phí thực hiện
|
- Phí công chứng: dựa theo giá trị hợp đồng/ giao dịch hoặc dựa theo mức quy định chung của Nhà nước.
- Thù lao công chứng: trong trường hợp yêu cầu công chứng viên thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
- Các phí khác: trường hợp người yêu cầu công chứng đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
|
Phí chứng thực được thu theo quy định gồm 3 loại:
- Phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản.
- Phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản.
- Phí chứng thực hợp đồng, giao dịch: 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch, trường hợp sửa đổi bổ sung thì 30.000 đồng, trường hợp sửa lỗi sai trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực thì 25.000 đồng.
|