“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” (Theo điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015)
Với quy định này, di chúc phải có các yếu tố sau:
+ Thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác;
+ Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản là di sản của mình cho người khác;
+ Chỉ có hiệu lực sau khi người đó chết.
Theo khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”
Như vậy, di chúc hợp pháp đảm bảo 2 điều kiện là:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Khi người lập di chúc mong muốn là người nhận thừa kế nhà đất không được chuyển nhượng đất kể cả sau khi người lập di chúc đã mất thì trong trường hợp trên di chúc vẫn là hợp pháp. Vậy người nhận thừa kế có được chuyển nhượng đất sau khi người lập di chúc đã mất không? Và người nhận thừa kế không được chuyển nhượng mảnh đất trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền “giao nghĩa vụ cho người thừa kế”. Như vậy, nghĩa vụ của người thừa kế được giao trong trường hợp trên là không được chuyển nhượng căn nhà.
Đây được xem là ý nguyện của người để lại di sản mà theo quy định của pháp luật, người thừa kế có quyền làm thủ tục để đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà họ được nhận theo di chúc.Khi đã trở thành chủ sở hữu căn nhà, họ sẽ có toàn quyền của sở hữu theo quy định của pháp luật, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Việc bán hay không bán khối tài sản lúc này không chịu một yếu tố ràng buộc nào cả nên trên thực tế khó kiếm soát việc những người thừa kế thực hiện theo đúng ý nguyện của người lập di chúc và việc thực hiện ý nguyện của người đã khuất hoàn toàn dựa trên ý chí và sự tự nguyện của người nhận thừa kế.
Người nhận thừa kế không được chuyển nhượng nhà đất trong trường hợp: Trong di chúc người để lại di chúc nêu rõ nhà đất để lại sẽ được dùng vào việc thờ cúng và giao nhà đất này cho người thừa kế quản lý (theo điều 645 BLDS năm 2015)
“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Vậy nên, người thừa kế được chỉ định là người quản lý thì nhà đất nêu trên không được chia thừa kế và người quản lý không được chuyển nhượng phần di sản thờ cúng này.