Tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:
"Điều 40. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con
1. Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
2. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này."
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì lao động nữ có thể đi làm sớm sau sinh chỉ cần đảm bảo 02 điều kiện:
- Đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Tuy nhiên, quy định tại pháp luật lao động lại có quy định khác. Cụ thể Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019:
"Điều 139. Nghỉ thai sản
...
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội."
Như vậy, theo quy định của pháp luật lao động thì ngoài việc đã nghỉ ít nhất được 04 tháng; đã báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý cần phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Nếu như người lao động không có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh là chưa đủ điều kiện để đi làm sớm theo quy định về lao động nhưng về bên bảo hiểm thì không có yêu cầu.