Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu?

Chủ đề   RSS   
  • #616470 18/09/2024

    phucpham2205
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1163)
    Số điểm: 20679
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 398 lần


    Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu?

    Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu? Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Lao động nữ đang nuôi con nhỏ mà bị hành kinh thì được nghỉ trong giờ làm việc bao lâu?

    Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

    “4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:

    a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;”

    Mặt khác, tại điểm a khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng có nêu rõ, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ 30 phút mỗi ngày tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. 

    Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

    Có thể thấy, 02 chế độ nghỉ nêu trên là 02 chế độ hoàn toàn khác nhau, theo đó, đối với trường hợp lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng mà cùng lúc bị hành kinh thì ngoài 60 phút nghỉ trong thời gian làm việc thì còn được cộng thêm 30 phút nghỉ ngơi chế độ hành kinh theo quy định như đã nêu trên.

    (2) Nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản thì có được đi làm sớm không?

    Thông thường, lao động nữ sẽ có thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con 06 tháng. Theo đó, trường hợp muốn đi làm trước thời gian này, lao động nữ cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:

    - Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng hưởng chế độ thai sản;

    - Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động;

    - Được người sử dụng lao động đồng ý.

    Như vậy, trường hợp lao động nữ đã nghỉ hưởng 04 tháng chế độ thai sản sẽ được đi làm sớm nếu có xác nhận của cơ quan y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý.

    (3) Lao động nữ được hưởng những khoản tiền nào khi nghỉ thai sản?

    Hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản, lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như sau:

    Trợ cấp một lần khi sinh con: Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

    Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

    Theo đó, tiền trợ cấp một lần/con = 02 x Mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là mức tại tháng lao động nữ sinh con)

    Tiền hưởng chế độ thai sản: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

    “1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

    a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;”

    Theo đó, tiền chế độ thai sản 1 tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

    Mức tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản: Căn cứ khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

    Theo đó, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính như sau:

    Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh/01 ngày = 30% x Mức lương cơ sở.

    Như vậy, hiện nay, khi nghỉ chế độ thai sản thì lao động nữ sẽ được hưởng những khoản tiền như đã nêu trên.

     
    25 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận