Làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh có được tính tiền tăng ca?

Chủ đề   RSS   
  • #616573 20/09/2024

    Làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh có được tính tiền tăng ca?

    Làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh có được tính tiền tăng ca? Người sử dụng lao động có được sử dụng lao động nữ đang hành kinh làm việc vào ban đêm không? Trường hợp nào được xem là sử dụng nhiều lao động nữ?

    1. Làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh có được tính tiền tăng ca?

    Căn cứ khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ. Theo đó:

    - Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

    - Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

    - Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

    Như vậy, nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian nghỉ đó. Tuy nhiên thời gian này không tính tiền tăng ca, tiền làm thêm giờ.

    2. Người sử dụng lao động có được sử dụng lao động nữ đang hành kinh làm việc vào ban đêm không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản. Theo đó, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

    - Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

    - Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

    Như vậy, pháp luật không có quy định cấm người sử dụng lao động sử dụng lao động nữ đang hành kinh làm việc vào ban đêm. Tuy nhiên, trường hợp lao động nữ đang hành kinh mà có lịch làm việc vào ban đêm, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được đổi ca làm việc hoặc nghỉ ngơi sao cho đảm bảo sức khỏe.

    3. Trường hợp nào được xem là sử dụng nhiều lao động nữ?

    Căn cứ Điều 74 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ. Theo đó, người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ là người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Sử dụng từ 10 lao động nữ đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động.

    - Sử dụng từ 100 lao động nữ đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động.

    - Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

    Như vậy, lao động nữ chiếm 50% trở lên (đối với trường hợp sử dụng dụng từ 10 lao động nữ đến dưới 100 lao động nữ),  chiếm 30% (đối với trường hợp  sử dụng từ 100 lao động nữ đến dưới 1.000 lao động nữ), sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì được xem là sử dụng nhiều lao động nữ. Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

    Tóm lại, nếu làm việc trong thời gian nghỉ hành kinh sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian nghỉ nhưng thời gian này không tính tiền tăng ca, tiền làm thêm giờ.

     
    39 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận