Có thể nói, đối với các tranh chấp dân sự khi lựa chọn con đường khởi kiện ra Tòa án thì mục đích cuối cùng của các đương sự không chỉ là nhận được bản án (hay quyết định) của Tòa mà quan trọng hơn đó là việc phán quyết này phải được thực thi trên thực tế.
Hiện nay, hành lang pháp lý trong tố tụng dân sự tồn tại nhiều điều khoản quy định về nghĩa vụ cũng như trách nhiệm chấp hành bản án (hay quyết định) của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan.
Trước hết, một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đó là: “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án” với nội dung cụ thể như sau:
Điều 19. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
...
|
Mặt khác, Luật thi hành án dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung 2014 đã cụ thể hóa các hành vi nào được xem là vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự và nguyên tắc xử lý vi phạm lần lượt tại Điều 162 và Điều 165:
Điều 162. Hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự
1. Đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng.
2. Cố tình không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.
3. Không thực hiện công việc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định.
4. Có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
5. Tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
6. Không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng.
7. Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
10. Không chấp hành quyết định của Chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
Điều 165. Xử lý vi phạm
1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc Chấp hành viên thi hành án trái pháp luật; phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, huỷ hoại vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản bị kê biên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
4. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của Chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
|
Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự quy định đối với những phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Xong, trong quá trình thi hành án không loại trừ trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức không tôn trọng và không tự nguyện chấp hành dẫn đến việc phán quyết của Tòa bị vô hiệu hóa trên thực tế, hay nói cách khác nó chỉ có giá trị trên giấy.
Vì thế, để phán quyết của Tòa được thực thi, cũng là để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân, tổ chức là đối tượng của phán quyết, pháp luật về thi hành án dân sự đã đưa ra chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi không chấp hành bản án, quyết định. Theo đó, trách nhiệm pháp lý mà các cá nhân, tổ chức có thể phải gánh chịu khi có hành vi vi phạm gồm: (1) trách nhiệm hành chính hoặc (2) trách nhiệm hình sự.
>>>TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH
Các hình thức xử phạt hành chính có thể được áp dụng bao gồm: (1) cảnh cáo hoặc (2) phạt tiền với mức phạt từ 500.000 đồng lên tới 40.000.000 đồng tùy thuộc vào loại hành vi và mức độ nghiêm trọng của hành vi theo quy định tại Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi bởi Nghị định 67/2015):
Điều 52. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thi hành án dân sự
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;
b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú;
c) Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân;
d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan Thi hành án dân sự.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
b) Phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên;
c) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
b) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên;
c) Hủy hoại tài sản đã kê biên;
d) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;
đ) Cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
b) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.
7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.
|
>>>TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Theo quy định tại Điều 380 của Bộ luật Hình sự 2015, trường hợp người có điều kiện thi hành án nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, thì bị phạt tù từ ba tháng đến năm năm (tùy trường hợp) và có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng về Tội không chấp hành án.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam quy định người thi hành án phải có trách nhiệm chấp hành bản án (hoặc quyết định) có hiệu lực của Tòa án. Trong trường hợp cố ý không chấp hành, người phải thi hành án tùy mức độ và tính chất vi phạm sẽ chịu chế tài tương ứng là cảnh cáo hoặc phạt tiền, thậm chí nghiêm trọng hơn người vi phạm có thể bị phạt tù.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 03/09/2019 06:47:10 CH