Làm thế nào để mang thai rồi mới đóng BHXH mà vẫn nhận được tiền thai sản?

Chủ đề   RSS   
  • #601865 16/04/2023

    thuytrangak
    Top 75
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:30/08/2017
    Tổng số bài viết (916)
    Số điểm: 7760
    Cảm ơn: 86
    Được cảm ơn 175 lần


    Làm thế nào để mang thai rồi mới đóng BHXH mà vẫn nhận được tiền thai sản?

    Người lao động chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hoặc ngưng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ lâu. Nay mang thai nhưng vẫn muốn hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì cần làm thế nào, pháp luật điều chỉnh trường hợp này ra sao?

    1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

    Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động như sau:

    - Lao động nữ sinh con;

    - Người lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

    Như vậy, để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.

    2. Cách tính thời gian 12 tháng trước khi sinh con

    Tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

    - Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

    - Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

    3. Cách tính thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ thai sản

    Căn cứ các quy định nêu trên, có thể thấy người lao động phải đóng từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

    Việc xác định tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 4 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 như sau: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

    Do đó, người lao động ngay khi biết mình mang thai thì nên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngay, căn cứ vào ngày dự sinh để tính thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đảm bảo thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng dự sinh từ đủ 06 tháng trở lên. Cụ thể:

    - Nếu vào tháng dự sinh mà người lao động không đóng bảo hiểm xã hội nữa (cho dù ngày dự sinh là trước hay sau ngày 15 của tháng), thì tháng này sẽ không được tính đóng bảo hiểm xã hội, nên thời gian đủ 06 tháng sẽ tính từ tháng liền trước tháng dự sinh trở về trước

    Ví dụ: dự sinh vào tháng 07/2023, thì nên đóng bảo hiểm xã hội trễ nhất từ tháng 1/2023 (từ đủ 06 tháng đóng BHXH sẽ tính từ tháng 1 đến tháng 6/2023)

    - Nếu dự sinh từ ngày 15 của tháng và tháng đó có tham gia bảo hiểm xã hội thì tháng này sẽ được tính đóng BHXH, nên thời gian đủ 06 tháng sẽ tính từ tháng dự sinh trở về trước

    Ví dụ: dự sinh vào ngày 16/7/2023 thì nên đóng BHXH trễ nhất vào tháng 2/2023

    Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trường hợp mang thai rồi mới tham gia BHXH, và chỉ đóng vừa đủ 06 tháng trước khi sinh con thì rất có thể sẽ bị cơ quan BHXH điều tra, nên khi biết tin mình có thai thì nên đóng BHXH càng sớm càng tốt.

     
    199 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận