Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp hiện nay không còn xa lạ đối với những người có nhiều bằng lái xe từ có thời hạn, không có thời hạn đều có thể tích hợp lại thành một để dễ dàng trong việc sử dụng.
Trong trường hợp tài xế tích hợp bằng lái nhưng bị lực lượng giao thông tước bằng do vi phạm giao thông mà đã đến thời hạn cấp, đổi lại thì làm thế nào?
1. Giấy phép lái xe tích hợp là gì?
GPLX tích hợp hiện nay được sử dụng nhiều đối với người có nhiều bằng lái giao thông, nhiều ưu điểm nhưng cũng nhiều bất cập tùy thuộc vào nhu cầu người sử dụng.
Theo đó, chất liệu được sử dụng để chế tạo GPLX tích hợp được làm bằng vật liệu PET được cấp cho mỗi người bảo đảm duy nhất có 01 số quản lý, dùng chung cho cả giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
Đối với cá nhân có nhu cầu tích hợp GPLX thì đăng ký vào đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe. Việc này nhằm giám định lại trình độ cũng như năng lực của người lái có đủ điều kiện sử dụng các loại bằng lái đã có hay không.
Cá nhân nếu có nhu cầu tích hợp bằng lái xe không thời hạn (hạng A1, A2, A3) và bằng lái xe có thời hạn (hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE) thì đăng ký vào đơn đề nghị học, sát hạch để cấp bằng lái xe tích hợp theo quy định.
2. Thời hạn cấp lại giấy phép lái xe
Người đang sử dụng GPLX tích hợp căn cứ khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định thời hạn cấp lại giấy phép lái xe để theo dõi thời gian hết hạn như sau:
- Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.
- Từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.
Do đó, nếu quá thời hạn trên 3 tháng - 01 năm thì phải buộc thi lại lý thuyết, từ 01 năm trở lên phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành còn nếu dưới thời hạn này thì được cấp lại mà không cần sát hạch nữa.
3. Thủ tục cấp đổi GPLX tích hợp khi đến hạn
Trước tiên cần chuẩn bị hồ sơ đổi GPLX do ngành Giao thông vận tải cấp, gồm:
- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BGTVT tải về.
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:
Người có GPLX hạng A1, A2, A3.
Người có nhu cầu tách GPLX có thời hạn và không thời hạn.
- Bản sao GPLX, giấy CMND hoặc thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn thời hạn hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Cá nhân lập 01 bộ hồ sơ như trên, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp GPLX khi đến thực hiện thủ tục đổi GPLX và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.
Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ.
Việc trả giấy phép lái xe được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của cá nhân; trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giấy phép lái xe được trả cho đúng cá nhân đổi giấy phép lái xe.