Làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật không?

Chủ đề   RSS   
  • #615590 23/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 22324
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 465 lần


    Làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật không?

    Nhiều tiệm bánh hay cửa hàng quần áo làm ra những sản phẩm có in hình tiền Việt Nam để tạo hình bắt bắt, thu hút khách hàng thì hành vi này có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử phạt thế nào?

    Làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam có vi phạm pháp luật không?

    Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao hoặc bản ghi hình từ tiền Việt Nam bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.

    Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam khi đảm bảo đáp ứng tất cả các nguyên tắc sau:

    - Tất cả các bản sao, chụp không làm thay đổi hình ảnh của tiền Việt Nam ngoài việc phóng to, thu nhỏ hoặc sao, chụp theo góc nghiêng cùng tỷ lệ và phải đảm bảo tính toàn vẹn của hình chân dung, quốc huy trên mặt trước tờ tiền;

    - Không trích, ghép, kết hợp một phần hoặc toàn bộ hình ảnh đồng tiền Việt Nam với các nội dung, âm thanh, hình ảnh dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội hoặc các nội dung, âm thanh, hình ảnh trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam;

    - Việc sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào trừ trường hợp dùng trong tác phẩm báo chí, phim tài liệu hoặc lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu hoặc chụp ảnh, truyền hình về đồng tiền Việt Nam được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu, tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam.

    Như vậy, làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam là đang thực hiện hành vi sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam. Tuy nhiên pháp luật không cho phép sao, chụp tiền Việt Nam cho mục đích thương mại. Vì vậy, làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam là đang vi phạm pháp luật.

    Làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam bị phạt thế nào?

    Theo khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó đối với hành vi sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam như sau:

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật

    - Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;

    + Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Đồng thời, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, đối với hành vi làm bánh kẹo, quần áo in hình tiền Việt Nam có thể bị xử phạt hành chính từ 40 - 50 triệu đồng đối với cá nhân, 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức.

    Khi sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn gì?

    Theo Điều 18 Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam như sau:

    - Ngoài các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 87/2023/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đồng thời đáp ứng một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

    + Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền; hoặc

    + Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; hoặc

    + Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá; hoặc

    + Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi (Dots Per Inch) với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

    - Các điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên không áp dụng đối với Ngân hàng Nhà nước, cơ sở in, đúc tiền và các cơ quan giám định theo quy định.

    - Trường hợp các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không áp dụng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định trên, có văn bản trao đổi trước với Ngân hàng Nhà nước về các nội dung thông tin dự kiến của bản sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam.

    Như vậy, khi sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam thì phải đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước, cơ sở in, đúc tiền)

     
    113 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận