1. Lãi suất cho vay trong Hợp đồng tín dụng được áp dụng theo thỏa thuận.
Đối với hợp đồng vay mà một bên là tổ chức tín dụng thì lãi suất cho vay (trong hạn) của hợp đồng được thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng... thì áp dụng theo quy định của Luật này”. Như vậy, lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng không áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 về khống chế mức giới hạn lãi suất cho vay mà áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
2. Các loại lãi suất tiền vay được quy định trong hợp đồng tín dụng
Ngân hàng được quy định trong Hợp đồng tín dụng các loại lãi tiền vay sau:
- Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (Lãi suất theo thỏa thuận của các bên).
- Tiền lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc (lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn).
- Lãi chậm trả khi khách hàng không trả đúng hạn phần lãi trong hạn. Lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/ TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Những điều trên là từ hiểu biết của mình, tuy nhiên mình vẫn hơi lăn tăn về phần Lãi chậm trả, mời mọi người cùng thảo luận.