KỸ NĂNG TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA DÀNH CHO LUẬT SƯ

Chủ đề   RSS   
  • #494865 23/06/2018

    TRUTH
    Top 10
    Male
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/05/2013
    Tổng số bài viết (4694)
    Số điểm: 35125
    Cảm ơn: 673
    Được cảm ơn 1184 lần


    KỸ NĂNG TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA DÀNH CHO LUẬT SƯ

     

    1. Chuẩn bị tham gia và kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa

    Vấn đề nhận thức, chuẩn bị và có mặt tại phiên tòa sơ thẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong kỹ năng hành nghề Luật sư, ảnh hưởng đến hiệu quả bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Điều 291  Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về sự có mặt của người bào chữa tại phiên tòa là bắt buộc, nhưng có thể gửi trước bản bào chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 mà người bào chữa vắng mặt, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo, người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.

    Kỹ năng tranh tụng của luật sư

    Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 dành hẳn mục V Chương XXI để quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa đồng thời coi đây là nội dung cốt lõi thể hiện nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Về cơ bản, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa quy định việc Chủ tọa phiên tòa là người trực tiếp điều hành việc hỏi, mà chỉ quy định trong quá trình xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi (Điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có những điểm mới trong quy định trình tự phát biểu khi tranh luận, yêu cầu Kiểm sát viên khi luận tội phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự cũng như những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (Điều 321 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

    Về phần mình, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu, những lập luận để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án, cũng như có quyền đưa ra đề nghị của mình đối với những vấn đề nêu trên.

    Trên cơ sở đó, theo Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Kiểm sát viên phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến, tuy nhiên, chủ tọa có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và các ý kiến trùng lặp. Chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nếu những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và phải được thể hiện trong bản án.

    Những điểm đổi mới nêu trên là cơ sở bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

    Tại phiên tòa, quá trình thẩm vấn của Luật sư là cách thể hiện hướng đi, dự báo về những vấn đề cần tranh luận. Đối với những Kiểm sát viên nhiều kinh nghiệm tranh tụng, họ đôi khi sẽ tạo ra những bài luận tội “mở”, chủ động để khoảng trống, sơ hở để Luật sư nhầm tưởng họ luận tội không đầy đủ, chứng cứ còn thiếu sót, v.v., để khi đến phần bào chữa của Luật sư, họ sẽ đưa ra những bằng chứng, lý lẽ sắc bén. Vì vậy, Luật sư cần hết sức chủ động trong việc rà soát những nội dung đã chuẩn bị và có những kỹ năng khi tham gia tranh tụng.

    Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự

     
    27865 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn TRUTH vì bài viết hữu ích
    ntdieu (23/06/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #494867   23/06/2018

    TRUTH
    TRUTH
    Top 10
    Male
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/05/2013
    Tổng số bài viết (4694)
    Số điểm: 35125
    Cảm ơn: 673
    Được cảm ơn 1184 lần


    Kỹ năng đối đáp tại phiên tòa

    Sau phần luận tội của đại diện Kiểm sát viên và bào chữa của Luật sư là phần đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Kỹ năng đối đáp tại phiên tòa là một kỹ năng rất quan trọng khi tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, phản ánh sự nhạy bén, khả năng phán đoán, dự báo những vấn đề phát sinh trực tiếp tại phần tranh luận, thể hiện bản lĩnh và khẩu khí của Luật sư. Có thể nói, phần đối đáp là phần bộc lộ hết những khả năng tiềm ẩn của một Luật sư, có ý nghĩa lớn trong việc xử lý các tình huống phát sinh, tác động tới tâm lý, nhận thức, trạng thái tình cảm của Hội đồng xét xử dẫn đến những quyết định quan trọng cho bị cáo trong quá trình nghị án, tuyên án. Thực tiễn tranh tụng trong các vụ án hình sự cho thấy Luật sư cần phải bảo đảm những yêu cầu sau:
     
    - Trước hết, yêu cầu cơ bản của phần đối đáp là Luật sư cần đề cập trực diện vào những vấn đề cần tranh luận, làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan trực tiếp đến vụ án chứ không trình bày chung chung làm mất thời gian của phiên tòa.
     
    - Nội dung phần đối đáp phải mang tính mới, bao gồm các vấn đề chưa được đề cập trong phần bào chữa. Tuy nhiên, do Kiểm sát viên có đề cập trong phần tranh luận trở lại nên Luật sư buộc lòng phải trình bày, lý giải để làm rõ vấn đề. Theo quy định tại Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Tuy nhiên, Luật sư chỉ nên tìm kiếm, lựa chọn vấn đề mang tính quyết định để tranh luận, đối đáp.
     
    - Phân tích, phát hiện những mâu thuẫn trong phần luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên, chỉ ra những điểm thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục, từ đó, nhấn mạnh tính hợp lý, có căn cứ trong lập luận của mình;
     
    - Nội dung đối đáp phải ngắn gọn, ngôn ngữ chuẩn mực, thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, không được có những thái độ không chừng mực dẫn đến xúc phạm những người tiến hành và những người tham gia tố tụng khác. Mặc dù pháp luật không hạn chế thời gian đối đáp, nhưng Luật sư cần lưu ý đến bối cảnh của việc đối đáp, thái độ lắng nghe của Hội đồng xét xử để biết mình nên dừng ở đâu, nói đến mức độ nào là hợp lý.
    • Nội dung của phần đối đáp cần bao gồm 3 phần chính:
    + Phân tích, đánh giá những điểm mới, cần ghi nhận trong phần tranh luận trở lại của Kiểm sát viên, so sánh với phần đã phát biểu trong bài luận tội;
     
    + Nhắc lại một cách tổng quát những luận điểm chính mà Luật sư đã phát biểu trong phần bào chữa, nhấn mạnh những chứng cứ quan trọng cần lưu ý trong đối đáp;
     
    + Từ đó, phân tích làm rõ thêm các tình tiết, chứng cứ liên quan đến việc xác định mức độ vi phạm, phạm vi giới hạn áp dụng Bộ luật hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề xuất quan điểm giải quyết, xử lý đối với bị cáo.
     
    Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự
    Cập nhật bởi TRUTH ngày 23/06/2018 08:31:38 SA
     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn TRUTH vì bài viết hữu ích
    ntdieu (23/06/2018)
  • #494870   23/06/2018

    TRUTH
    TRUTH
    Top 10
    Male
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:03/05/2013
    Tổng số bài viết (4694)
    Số điểm: 35125
    Cảm ơn: 673
    Được cảm ơn 1184 lần


    Sau đây là những điểm cần chú ý trong việc chuẩn bị cấu trúc và nội dung bài bào chữa trên cơ sở sự chuẩn bị luận cứ bào chữa và qua diễn biến thực tế tại phiên tòa:

    - Phần mở đầu:

    Cách mở đầu bài bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ quá trình tranh luận. Luật sư cần lưu ý đây là bài trình bày bằng miệng tại phiên tòa, nên phong thái, khẩu khí, văn phong của Luật sư đóng vai trò rất quan trọng. Luật sư cần chú ý tới “không gian” pháp đình để xác định cách mở bài phù hợp tại phiên tòa nhằm thu hút sự chú ý của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác. Có một số cách mở đầu bài phát biểu bào chữa phổ biến như sau:

    + Giới thiệu bản thân với tư cách người bào chữa, tóm tắt những nội dung buộc tội của Viện kiểm sát;

    + Đánh giá trực diện về lời luận tội của Kiểm sát viên, nhận xét về những quan điểm, căn cứ nêu trong phần kết luận, từ đó tập trung phân tích, đánh giá nhằm bác bỏ quan điểm của Kiểm sát viên.

    Bài bào chữa

    + Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự chú ý của dư luận, phần mở đầu có thể nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ của Luật sư khi nhận trách nhiệm bào chữa cho bị cáo, phân tích những yếu tố, ảnh hưởng tác động đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Ngoài ra, Luật sư có thể phác họa bối cảnh xảy ra vụ án, những quan điểm, tinh thần cần quán triệt để bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

    + Trong trường hợp vụ án liên quan đến tình hình trật tự xã hội, Luật sư cũng có thể sử dụng cách tiếp cận bài bào chữa từ sự cảm thông, sự chia sẻ với những mất mát, đau đớn của gia đình các nạn nhân.

    Như vậy có thể nói, tùy theo bối cảnh của mỗi phiên tòa mà Luật sư có thể có những cách mở đầu bài phát biểu bào chữa khác nhau để tạo ra những ấn tượng, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Việc mở đầu bài bào chữa như thế nào không phải là một nội dung cố định, rập khuôn, mà là một trong những phần thể hiện được tính thích ứng, óc phán đoán, tư duy nhạy bén, sự cảm nhận tinh tế, với trách nhiệm và nhãn quan chính trị - pháp lý đầy đủ của Luật sư.

    - Phần nội dung:

    Đây là phần trọng tâm trong bài bào chữa, là sự kết tinh quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa và là sự chuyển hóa linh hoạt nội dung các bản kiến nghị của Luật sư qua các giai đoạn trước đây. Cấu trúc của phần nội dung có thể được sắp xếp theo những cách khác nhau. Ví dụ:

    Cách 1: Bám sát nội dung luận tội của Kiểm sát viên nhằm đáp lại những cáo buộc, những lập luận thiếu chứng cứ. Luật sư cần lưu ý đây chưa phải là phần đối đáp khi tranh luận, nhưng với việc bám sát nội dung buộc tội sẽ giúp Luật sư tập trung cao độ cho phần bào chữa mà không bị Chủ tọa phiên tòa ngắt lời, có cơ hội nêu bật sự khác biệt giữa quan điểm buộc tội và quan điểm bào chữa.

    Cách 2: Luật sư chủ động xây dựng cấu trúc theo sự chuẩn bị của mình, trong đó chia ra thành từng đề mục lần lượt theo các bước sau:

    + Tóm tắt những hành vi và tội danh mà đại diện Viện kiểm sát đã kết luận đối với bị cáo thông qua lời luận tội;

    + Phân tích các chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa để chứng minh việc kết tội bị cáo là không đầy đủ căn cứ pháp lý hoặc làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

    + Các tình tiết liên quan đến nhân thân, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, v.v..

    Cách 3: Nếu vụ án phức tạp, phiên tòa phải hoãn xử nhiều lần, trong đó có cả việc hoãn xử để điều tra bổ sung, Luật sư cần tóm tắt lại những vấn đề đã đặt ra trong các phiên tòa trước, những nội dung mà Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung, kết quả điều tra bổ sung và đánh giá về những kết quả bổ sung đó.

    Cách 4: Nếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần tranh luận với Kiểm sát viên, Luật sư có thể không cần phải đưa ra hết nội dung đã chuẩn bị trong bài bào chữa mà chỉ “hé mở” một số nội dung có khả năng sẽ sử dụng cho việc đối đáp trong phần tranh luận tại phiên tòa. Trong thực tiễn tranh tụng, Luật sư thường giữ lại những chứng cứ, bút lục có ý nghĩa quyết định để đưa vào nội dung trong phần đối đáp.

    - Phần kết luận, kiến nghị:

    Nếu ở phần mở đầu bài bào chữa, Luật sư cần cố gắng tạo ra ấn tượng, thu hút sự chú ý của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác thì ở phần kết luận, Luật sư cần có được sự lắng đọng, đúc kết những kết luận, những căn cứ pháp lý mang tính thuyết phục cao.

    • Sau đây là một số gợi ý kết thúc bài bào chữa mà Luật sư có thể tham khảo:

    + Nhận xét và kết luận rõ ràng quan điểm bào chữa của Luật sư, từ đó nêu lên căn cứ pháp lý nhằm đưa ra kiến nghị định hướng xử lý vụ án cụ thể, dứt khoát có tội hay không có tội.

    + Hệ thống lại những luận điểm chính đã nêu trong bài bào chữa, nhấn mạnh những điểm kết luận, đề cập các vấn đề về nhân thân và điều kiện sức khỏe của khách hàng để Hội đồng xét xử xem xét.

    + Đối với những vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm, ngoài việc hệ thống lại những nội dung đã trình bày trong bài bào chữa, Luật sư cần nhấn mạnh đến những tác động to lớn từ kết quả quá trình tiến hành tố tụng, từ đó đề xuất, thu hút sự chú ý của Hội đồng xét xử trước khi bước vào phần nghị án.

    Ngoài ra, Luật sư cũng cần chuẩn bị cho trường hợp Hội đồng xét xử sau phần tranh luận có thể quay trở lại phần xét hỏi. Để tránh lúng túng, Luật sư cần quan tâm đến một số mối quan hệ ứng xử với những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác:

    + Đối với Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên: Luật sư cần tôn trọng các quyết định của Chủ tọa phiên tòa khi điều khiển quá trình tranh luận. Trong quá trình Kiểm sát viên phát biểu luận tội, Luật sư không nên có những hành vi, cử chỉ thiếu sự chú ý và cần thể hiện thái độ tôn trọng với những người tiến hành tố tụng.

    + Nếu có hai Luật sư cùng tham gia bào chữa cho một bị cáo, cần trao đổi thống nhất nội dung mà mỗi người sẽ trình bày và thứ tự phát biểu. Luật sư nên tìm nhiều cách bổ sung, cách tiếp cận mới cho bài bào chữa của mình để làm sáng tỏ hơn những nhận định của đồng nghiệp.

    + Nếu vụ án vừa có sự tham gia của Luật sư bào chữa cho bị cáo, vừa có cả Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại hoặc các đương sự khác, thì theo thứ tự Luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ phát biểu trước. Lúc này, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng khác cần tỏ thái độ tôn trọng đồng nghiệp, không nên có những hành vi cư xử không đúng mực.

    Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự

     
    Báo quản trị |