Chào các bạn!
Đối với những sinh viên mới ra trường, khi đi phỏng vấn không mấy khi người ta ra câu hỏi đòi hỏi kinh nghiệm cao. Cũng không có một khuôn mẫu câu hỏi sẵn nào trong đề bài của họ. Bởi đơn giản là, mỗi công ty, văn phòng, đơn vị, cơ quan có mục tiêu hoạt động, có ngành nghề riêng, do vậy đòi hỏi những kỹ năng riêng.
Ví dụ mình có đứa em tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học, khi đi phỏng vấn họ hỏi một câu "Đường số 5 liên xã đi qua những xã nào của huyện, hãy phân tích vai trò và tầm quan trọng của con đường đối với sự phát triển của địa phương?" Nó chân ướt chân ráo ra trường, đến phỏng vấn ở một huyện lạ hoắc ở một tỉnh chưa bao giờ đặt chân đến, làm sao biết được câu này? Nhưng cách trả lời của nó, giúp nó đạt điểm cao và một trong 3 người lọt vào vòng 2 để phỏng vấn trực tiếp.
Những câu hỏi đối với sinh viên mới ra trường, chủ yếu là một số kiến thức cơ bản trong quá trình học, câu hỏi để nắm biết được kỹ năng xử lý tình huống của các bạn, câu hỏi để xác định kỹ năng giao tiếp, ứng xử, học hỏi và đặc biệt là câu hỏi để xác định cá tính/tính cách của các bạn có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không.
Mình cũng từng đi phỏng vấn dù không nhiều lắm, cũng đã và đang phỏng vấn nhiều trường hợp. Những doanh nghiệp tuyển người ở vị trí không cần kinh nghiệm, không bao giờ họ đòi hỏi các bạn "phải làm được việc", mà họ chọn người "sẽ làm tốt công việc". Vậy nên các bạn không cần phải quá lo lắng rằng, mình không làm được việc. Mà hãy luôn tự tin để khẳng định, mình sẽ làm tốt công việc. Khi các bạn phỏng vấn vào vị trí đòi hỏi kinh nghiệm, sẽ gặp những câu hỏi mà trong trường học gần như không nhắc đến, đòi hỏi các bạn phải "kinh qua" mới biết được thực tế phải giải quyết nó ra làm sao.
Các bạn lưu ý, câu hỏi càng đơn giản thì độ khó trả lời càng cao. Hầu hết các câu hỏi đều đòi hỏi khả năng tư duy logic của các bạn, mà câu hỏi logic chẳng câu nào giống câu nào.
Vậy nên rất khó để đưa ra câu hỏi cụ thể, các bạn hãy tự tin và thể hiện hết khả năng, tinh thần, trách nhiệm cũng như mong muốn của các bạn đối với vị trí cần tuyển. Nhà tuyển dụng cần các bạn ở những điểm đó, kể cả những vị trí đòi hỏi kinh nghiệm.
Đối với những người học luật, thường có cái tôi cá nhân khá cao, điều này nếu thể hiện không khéo rất dễ gây mất thiện cảm đối với không ít các xếp, các bạn cần biết khẳng định nó lúc nào, và trong câu trả lời, đừng bao giờ nói từ "theo tôi" hoặc "theo quan điểm của tôi", điều này dẫn đến việc các bạn "nói thay luật", rất dễ bị các xếp cho rằng các bạn "tùy tiện", "suy luận". Hãy để luật nói và các bạn vận dụng và trường hợp cụ thể của tình huống cần trả lời. Đó là điểm rất khác khi phỏng vấn một người học luật và một người thuộc chuyên ngành khác.
Một vài chia sẽ.
Thân./.