Hiện nay, vào một số thời điểm cao điểm như dịp lễ tết hay gần nhất là trung thu sắp tới đây, một số cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt mà chấp nhận kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt là bánh trung thu từ khi được sản xuất không có chứng từ quy định và nguồn gốc sản xuất đến từ đâu, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa. Qua đó, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và thị trường được cạnh tranh ổn định với chất lượng hàng hóa đúng quy định.
Theo đó, hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Mức phạt hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng tốt nhất tránh để tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, chưa qua kiểm định thì theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vận chuyển ahngf hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1 triệu đến 100 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào số tiền tương ứng với hàng hóa thì căn cứ xử phạt theo mức tiền vi phạm.
Đối với các loại hàng hóa sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.
(2) Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản.
(3) Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Lưu ý: đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt gấp 02.
Vì đây là những danh mục hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và tác động nhiều đến thị trường nên sẽ có mức phạt gấp 02 lần so với hàng hóa thông thường.
Ngoài ra, tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường , buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng. Qua đây, các doanh nghiệp khi kinh doanh vận chuyển hàng hóa cần phải ưu tiên chất lượng hàng đầu, tránh việc lợi dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc mà kinh doanh trục lợi bất chính có thể bị phạt nặng.