“Phố cà phê đường tàu” gần như là một đặc sản của Hà Nội đối với khách du lịch khi đến thủ đô, đặc biệt thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch quốc tế. Từ năm 2018, người dân tại đây bắt đầu nở rộ mô hình quán cà phê ở hai bên đường ray cho khách đến quay phim, chụp ảnh mỗi khi có tàu chạy qua.
Tuy nhiên, cũng không ít vi phạm xảy ra như lấn chiếm hành lang đường sắt, bày bàn ghế ra giữa đường ray. Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu du khách không kịp thông báo mỗi khi có khách cũng như bàn ghế có thể ảnh hưởng đến tàu đi qua.
Sau khi nhận được kiến nghị từ Cục Đường sắt Việt Nam, ngày 14/9/2022 vừa qua UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh cà phê đã cấp cho các hộ kinh doanh tại đây. Vậy, kinh doanh cà phê gần đường tàu có hợp pháp?
Giới hạn được phép được hoạt động gần đường tàu
Nhằm bảo vệ đường sắt phù hợp với từng loại hình tàu, địa điểm sẽ được quy định từng khoảng cách khác nhau, để đảm bảo an toàn và bảo vệ đường sắt thì tại Điều 9 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra.
- Đối với đường sắt tốc độ cao là 7,5 mét.
- Đối với đường sắt đô thị là 5,4 mét.
- Đối với đường sắt còn lại là 5,6 mét.
Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp.
- 05 mét tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào.
- 03 mét tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.
Hành lang được xem là an toàn giao thông đường sắt cụ thể quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP đối với thì chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định là 03 mét.
Trong trường hợp có sự chồng lấn hành lang an toàn giao thông đường sắt với hành lang an toàn đường bộ; phải phân định ranh giới theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn giao thông đường sắt; nhưng không được chồng lên công trình đường bộ.
Theo đó, để đảm bảo an toàn khoảng cách an toàn đường sắt ít nhất tối thiểu phải là 9m, đối với việc hoạt động của những quán “cà phê đường tàu” ở Hà Nội du khách chỉ cần với tay thôi cũng tới thân tàu đang chạy, điều này là bất hợp pháp.
Mức phạt đối với vi phạm an toàn đường sắt
Việc các quán cà phê hoạt động kinh doanh gần đường tàu hiện nay đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường sắt, thậm chí cả khách du lịch cũng bắt bàn ghế ra giữa đường ray để chụp hình, điều này là hết sức nguy hiểm. Qua đó, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt hành chính là hoàn toàn đúng đắn, cụ thể tại khoản 1, 2 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt như sau:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện:
Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.
Vượt tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh.
Để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển.
Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.
Phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm khác trên đường sắt hoặc các công trình đường sắt khác.
Để rơi vãi đất, cát, các loại vật tư, vật liệu khác lên đường sắt.
- Phạt tiền từ 2 triệu đồng - 3 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Neo đậu phương tiện vận tải thủy, bè, mảng hoặc các vật thể khác trong phạm vi bảo vệ cầu đường sắt.
Để phương tiện giao thông đường bộ, thiết bị, vật liệu, hàng hóa vi phạm khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Như vậy, theo quy định trên, việc xử phạt chỉ áp dụng đối với từng cá nhân vi phạm nhưng không đề cập đến các quán cà phê vi phạm sẽ được xử lý ra sao. Vì vậy, thực tế để thường xuyên tuần tra xử phạt cũng rất khó khăn. Theo đó, UBND quận đã ra quyết định thu hồi giấy phép nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn đường sắt ngày càng tăng cao.
Dù vậy, việc thu hồi giấy phép kinh doanh cà phê sẽ làm giảm lượng khách du lịch đến đây cũng như kinh tế địa phương phần nào bị mất đi. Để vừa đảm bảo thu hút khách du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn, Hà Nội đang nghiên cứu cùng với các sở, ban, ngành có liên quan để đưa “phố cà phê đường tàu trở lại”.