Kiến nghị: Không còn hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/ tháng cho sinh viên sư phạm từ năm 2 học tập yếu

Chủ đề   RSS   
  • #604816 17/08/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Kiến nghị: Không còn hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/ tháng cho sinh viên sư phạm từ năm 2 học tập yếu

    Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

    Sinh viên sư phạm học tập yếu sẽ không được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng.

    Theo đó, theo quy định hiện hành mức hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm như sau:

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

    Ngoài ra, sinh viên sư phạm còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

    Tuy nhiên, theo đề xuất mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sinh viên sư phạm vẫn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.  Thế nhưng, từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, nếu sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu thì sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. 

    Cơ sở đào tạo giáo viên sẽ thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.

    Xem và tải Dự thảo 

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/08/17/nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-116-doc.doc

    Sửa đổi quy định thu hồi chi phí bồi hoàn đối với sinh viên sư phạm

    Tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

    Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và thực hiện những yêu cầu mới đặt ra, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị:

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, cơ sở đào tạo giáo viên theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên cư trú theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm hoặc gia đình thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm hoặc gia đình thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

    - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo dõi, hướng dẫn ra thông báo thu hồi kinh phí, sinh viên hoặc gia đình phải có trách nhiệm nộp số tiền bồi hoàn vào kho bạc nhà nước và gửi chứng từ nộp ngân sách nhà nước (bản sao) tới cơ quan theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn.

    - Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.

     - Trường hợp sinh viên hoặc gia đình chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn”.

    - Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, nếu thuộc đối tượng chính sách, khó khăn thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, đặc thù của sinh viên sư phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn.

    - Số tiền thu hồi từ chi phí bồi hoàn của sinh viên sư phạm được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.

    - Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.

    Xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định sửa đổi được lấy ý kiến từ ngày 14/8 - 14/10/2023.

    Xem và tải Dự thảo 

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2023/08/17/nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-nghi-dinh-116-doc.doc

     
    1204 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận