Khu thương mại tự do là gì? Lợi ích của Việt Nam khi tham gia Khu thương mại tự do

Chủ đề   RSS   
  • #612191 31/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Khu thương mại tự do là gì? Lợi ích của Việt Nam khi tham gia Khu thương mại tự do

    Nước ta đang đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do (KTMTD) đầu tiên tại Đà Nẵng. Vậy KTMTD là gì? Việt Nam nhận được lợi ích gì khi tham gia vào KTMTD?

    (1) Khu thương mại tự do là gì?

    Theo một cách dễ hiểu, KTMTD hay còn gọi là Free Trade Zone (FTZ) là khu vực kinh tế đặc biệt được thành lập bởi hai hoặc nhiều quốc gia, nơi hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động di chuyển tự do qua biên giới mà không chịu thuế quan, hạn chế số lượng hoặc các rào cản phi thuế quan khác.

    Đặc điểm chính của KTMTD:

    - Tháo dỡ rào cản thương mại: Thuế quan, hạn chế số lượng, hạn chế phi thuế quan được loại bỏ hoặc giảm thiểu giữa các quốc gia thành viên.

    - Tự do lưu thông: Hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động di chuyển tự do qua biên giới.

    - Chính sách thương mại chung: Các quốc gia thành viên áp dụng chính sách thương mại chung đối với các nước bên ngoài khu vực.

    - Hợp tác kinh tế: Các quốc gia thành viên hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật,...

    Các khu thương mại tự do thường được thiết lập ở gần các cảng biển chính, sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ - những vùng có nhiều lợi thế về thương mại.

    (2) Lợi ích của Việt Nam khi tham gia Khu thương mại tự do

    Với các ưu đãi mà KTMTD mang lại, Việt Nam sẽ nhận được những lợi ích sau đây khi tham gia vào KTMTD:

    Kích thích thương mại và đầu tư: Doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng.

    Tăng cường cạnh tranh: Doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

    Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: KTMTD góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

    Nâng cao đời sống người dân: Người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa đa dạng với giá cả cạnh tranh hơn, nâng cao đời sống.

    Hợp tác và hội nhập quốc tế: KTMTD góp phần tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

    Nhận ra được những lợi ích to lớn đó , nước ta đã tham gia hơn 15 KTMTD, tuy nhiên vẫn chưa có một KTMTD nào cho riêng mình.

    Tại Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nói riêng và vùng kinh tế Đông Nam Bộ nói chung. 

    Tuy nhiên, do vẫn còn một số khó khăn về mạng lưới kết cấu hạ tầng, chưa làm chủ được các công nghệ hiện đại, hay năng lực của doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được hết ưu đãi của KTMTD nên đến nay Việt Nam chưa có cho mình KTMTD nào.

    (3) Thách thức khi tham gia vào KTMTD

    Việt Nam đang tích cực tham gia vào các KTMTD trên thế giới, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc tham gia các KTMTD mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức. Các thách thức đó có thể kể đến như là:

    - Sự khác biệt về văn hóa và thể chế: Các quốc gia thành viên có thể có sự khác biệt về văn hóa, thể chế và hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong việc hợp tác và điều phối.

    - Chuyển dịch lao động: KTMTD có thể dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động từ các quốc gia có chi phí lao động cao sang các quốc gia có chi phí lao động thấp.

    - Tác động đến môi trường: Việc tăng cường thương mại và sản xuất có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.

    - Bảo vệ người tiêu dùng: Cần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống hàng giả, hàng nhái.

    Do đó, để có thể thực hiện tận dụng được ưu đãi của KTMTD thì Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế rủi ro từ các KTMTD.

    (4) Đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do đầu tiên tại Đà Nẵng

    Sáng 31/5/2024, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

    Đối với các chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, đáng lưu ý là chính sách thí điểm thành lập KTMTD tại Đà Nẵng.

    Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.

    Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.

    Nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, mô hình KTMTD đầu tiên này cũng là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về KTMTD cho cả nước.

    KTMTD là một công cụ quan trọng để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thí điểm KTMTD mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam và quốc gia thành viên, tuy nhiên cũng cần có giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức đi kèm.

     
    6225 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận