Không thay đổi thỏa ước lao động trong suốt quá trình hoạt động được không?

Chủ đề   RSS   
  • #614321 20/07/2024

    Không thay đổi thỏa ước lao động trong suốt quá trình hoạt động được không?

    Không thay đổi thỏa ước lao động trong suốt quá trình hoạt động được không? Trường hợp nào thỏa ước lao động tập thể vô hiệu? Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong thương lượng tập thể?

    1. Không thay đổi thỏa ước lao động trong suốt quá trình hoạt động được không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 78 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, thỏa ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Thời hạn cụ thể do các bên thỏa thuận và ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Các bên có quyền thỏa thuận thời hạn khác nhau đối với các nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 83 Bộ luật Lao động 2019. Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Lao động 2019. Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 82 Bộ luật Lao động 2019. Trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nếu thỏa ước lao động hết hạn thì phải ký kết thỏa ước lao động tập thể mới hoặc gia hạn (trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn). Còn đối với trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật.

    2. Trường hợp nào thỏa ước lao động tập thể vô hiệu?

    Căn cứ Điều 86 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, thỏa ước lao động tập thể có thể bị vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ, cụ thể:

    (i) Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.

    (ii) Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.

    - Người ký kết không đúng thẩm quyền.

    - Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

    Như vậy, thỏa ước lao động tập thể có thể bị vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ. Khi thỏa ước lao động tập thể bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể tương ứng với toàn bộ hoặc phần bị tuyên bố vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.

    3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong thương lượng tập thể?

    Căn cứ Điều 74 Bộ luật Lao động 2019. Theo đó, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể được quy định như sau:

    - Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên thương lượng tập thể.

    -  Xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể.

    -  Chủ động hoặc khi có yêu cầu của cả hai bên thương lượng tập thể, hỗ trợ các bên đạt được thỏa thuận trong quá trình thương lượng tập thể; trường hợp không có yêu cầu, việc chủ động hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ được tiến hành nếu được các bên đồng ý.

    - Thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu của các bên thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Lao động 2019.

    Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm liên quan đến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể; xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu liên quan; hỗ trợ các bên thương lượng tập thể và thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu.

    Tóm lại, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, thỏa ước lao động sẽ được thay đổi bằng cách ký mới khi hết hạn hoặc sửa đổi khi thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật. 

     
    106 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận