Tình huống phát sinh là tại đơn vị đang có người lao động không tham gia công tác trong công đoàn cơ sở. Vậy thì người lao động này có khả năng được xét Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" hay không?
Nguyên tắc xét kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”
Liên quan vấn đề này, tại Mục II Hướng dẫn 149/HD-TLĐ năm 2015 về việc xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành có nêu những nguyên tắc như sau:
- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” được xét tặng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7), hoặc đại hội công đoàn từ cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trở lên. Các trường hợp đột xuất khác do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét quyết định.
- Việc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và trao tặng Kỷ niệm chương được quy định tại hướng dẫn này phải đảm bảo chính xác, công bằng, dân chủ, công khai và kịp thời.
- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” được tặng một lần cho các cá nhân. Những người đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” thì không xét tặng Kỷ niệm chương.
- Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật. Thời gian chịu hình thức kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.
- Chưa xem xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc liên quan đến các vụ án mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, tổ chức đề nghị hay cá nhân muốn được xét tặng kỷ niệm chương thì trước tiên cần đảm bảo các nguyên tắc nêu trên.
Đối tượng và điều kiện xét kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”
- Cá nhân công tác trong tổ chức công đoàn;
- Cá nhân có công lao đóng góp xây dựng tổ chức công đoàn;
- Cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài có công xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Công đoàn Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét quyết định;
- Trường hợp đặc biệt, người có hành động dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn lập hồ sơ trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét quyết định truy tặng.
Căn cứ theo nội dung trên, có thể thấy rằng đối tượng được xét kỷ niệm chương không yêu cầu phải là đoàn viên công đoàn. Tùy trường hợp cụ thể mà người không phải đoàn viên, công tác trong công đoàn vẫn được xét tặng. Cụ thể điều kiện cho những người không tham gia công tác trong công đoàn tại Khoản 2 Mục III Hướng dẫn 149/HD-TLĐ năm 2015 gồm:
- Đối với cá nhân có công lao đóng góp xây dựng tổ chức công đoàn thì trong thời gian xét tăng Kỷ niệm chương phải có 05 năm liền kề với năm đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp công tác góp phần đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động theo quy định của pháp luật, và bảo đảm điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động theo Luật Công đoàn Việt Nam.
- Đối với các cá nhân khác thì yêu cầu có thành tích xuất sắc trong việc củng cố quan hệ hợp tác, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn.
Tùy theo đối tượng cụ thể mà xét điều kiện tương ứng nêu trên.