Ngày 09/8/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT về Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 23/9/2013 Thông tư này sẽ có hiệu lực; tuy nhiên ngày 23/9/2013 Bộ NNPTNT đã ngưng hiệu lực Thông tư 38 bằng quyết định 2158/QĐ-BNN-PC. Như vậy, Thông tư 38, không được đi vào đời sống thực tế như các văn bản quy phạm pháp luật thông thường khác.
Mới đây (ngày 23/6/2014), Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 19/2014/TTBNNPTNT sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 như sau:
- Đưa ra khỏi Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam tại phụ lục 1, 2 của Thông tư 38, gồm 107 loại phân bón; dạng lỏng của 2 loại phân bón lá, dạng bột của 3 loại phân bón lá.
- Sửa đổi, bổ sung tên sản phẩm; tổ chức, cá nhân đăng ký phân bón tại phụ lục 1 của Thông tư 38, gồm 4 loại phân bón.
Thông tư 19 có hiệu lực từ 07/8/2014.
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, chỉ khi Thông tư 38 được khôi phục hiệu lực thì Thông tư 19 mới có giá trị pháp lý.
Phải chăng Thông tư 19 có hiệu lực pháp luật là “linh đơn” để khôi phục hiệu lực Thông tư 38?
Điều 80. Ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật (Luật ban hành văn bản QPPL 2008)
1. Văn bản quy phạm pháp luật bị đình chỉ việc thi hành thì ngưng hiệu lực cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ thì văn bản hết hiệu lực, nếu không hủy bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực.
2. Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.