Nội dung vụ việc:
Ngày 28/11/2016, Tòa án nhân dân huyện H nhận được đơn khởi kiện của bà Phạm Thị A yêu cầu Tòa án buộc UBND xã X bồi thường số tiền 700 triệu đồng, vì đã thu hồi diện tích 3.000m2 đất đấu thầu của gia đình bà vào làm đường giao thông và sân bóng đá của thôn P, xã X.
Bà cho rằng toàn bộ diện tích đất bị thu hồi tuy gia đình bà nhận thầu từ năm 1995 đến năm 2013 của Hợp tác xã nông nghiệp thôn P. Tuy nhiên, năm 2001, toàn bộ diện tích đất này đã được UBND xã X lập hồ sơ đề nghị UBND huyện H cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà. Hiện nay diện tích đất này nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà A.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về quyền khởi kiện vụ án: Cơ quan, tổ chức, có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 167 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự gửi trực tiếp tại Tòa án hoặc thông qua đường bưu điện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải có một trong các quyết định: Thụ lý nếu thuộc thẩm quyền và trả lại đơn nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Trong trường hợp này bà Phạm Thị A khởi kiện UBND xã X bồi thường thiệt hại là không đúng đối tượng, mà phải khởi kiện UBND huyện H vì Quyết định thu hồi diện tích đất của gia đình bà A để làm đường giao thông và sân thể thao là của UBND huyện H. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định các trường hợp trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192, tuy nhiên đối với trường hợp nguyên đơn khởi kiện vụ án không đúng đối tượng như vụ án nêu trên thì không quy định.
>>> Bởi vậy, Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện được mà phải thụ lý vụ án và đưa ra xét xử theo hướng bác đơn khởi kiện chứ không được đình chỉ vụ án, bởi vì Điều 217 BLTTDS năm 2015 không có quy định.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong vụ án này quan hệ giữa UBND xã X với bà Phạm Thị A trong vụ việc như bà A trình bày là quan hệ hành chính giữa cơ quan nhà nước với công dân. Do vậy, việc bà A khởi kiện yêu cầu UBND xã X trả cho bà khoản tiền bồi thường thực thiệt hại, thực chất là yêu cầu bồi thường Nhà nước do người thi hành công vụ gây ra. Để giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà A phải xác định hành vi của những người thi hành công vụ của UBND xã X là trái pháp luật và thuộc trường hợp được bồi thường. Bà A khởi kiện khi chưa có văn bản nào của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ thuộc UBND xã X trong vụ việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà A là không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 6 Luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước.
>>> Do vậy, trong vụ án này bà A chưa đủ điều kiện khởi kiện. Theo quy định tại Điều 192 BLTTDS năm 2015, Tòa án cần trả lại đơn khởi kiện.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý độc giả.
Nguồn: Kiểm sát online