Khởi kiện khi đã hết thời hiệu, Tòa án có thụ lý?

Chủ đề   RSS   
  • #530798 14/10/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Khởi kiện khi đã hết thời hiệu, Tòa án có thụ lý?

    Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015, hậu quả pháp lý khi thời hạn đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. 

    Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp đương sự tiến hành khởi kiện khi thời hiệu đã hết thì Tòa án có thụ lý giải quyết không?

    Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần tìm hiểu các quy định liên quan về việc áp dụng thời hiệu tại Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:

    Trước hết, theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

    “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

    Ngoài ra, Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định tương tự khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 trong vấn đề áp dụng thời hiệu.

    Với các quy định nêu trên, về cơ bản tất cả các vụ án đều còn thời hiệu khởi kiện nếu các đương sự không yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu (tức nếu hết thời hiệu khởi kiện nhưng các bên không có yêu cầu tòa án áp dụng thì Tòa vẫn sẽ giải quyết vụ án bình thường). Còn trong trường hợp có một hoặc các bên đương sự trong vụ án yêu cầu áp dụng thời hiệu thì nếu thời hiệu đã hết, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

    Trước đây, Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về vấn đề áp dụng thời hiệu như sau: không áp dụng thời hạn khởi kiện khi xem xét thụ lý vụ án mà sau khi thú lý nếu thấy hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, quy định áp dụng thời hiệu tại Bộ luật dân sự 2015 cũng như Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là một quy định hoàn toàn mới. Quy định này nhằm hạn chế sự can thiệp của Tòa án, đồng thời ra điều kiện đối với các bên trong việc áp dụng thời hiệu. Theo đó, quy định này không cho phép Tòa án tự viện dẫn các quy định về thời hiệu trong quá trình giải quyết vụ án, mà Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng về thời hiệu của một bên hoặc các bên.

    Tóm lại, theo quy định hiện hành, việc áp dụng thời hiệu hay không áp dụng là phụ thuộc vào yêu cầu của các bên đương sự, Tòa phải xem xét đương sự có yêu cầu áp dụng hay không thì Tòa mới đưa ra quyết định phù hợp. 

    Thời điểm đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu

    Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép một bên hoặc các bên viện dẫn quy định về thời hiệu ở giai đoạn tố tụng sơ thẩm với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra “trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”. Quy định này đã chỉ rõ vấn đề thời hiệu cần được yêu cầu giải quyết tại cấp sơ thẩm. Do đó, nếu tại cấp sơ thẩm mà vấn đề thời hiệu chưa được đặt ra thì tại cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm không được đặt ra nữa. Nói cách khác yêu cầu áp dụng thời hiệu của các bên đương sự chỉ được đưa ra giải quyết ở cấp sơ thẩm; sau khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết bằng bản án, quyết định nếu có yêu cầu áp dụng thời hiệu thì không được chấp nhận.

    Như vậy, thắc mắc đầu bài viết đã được giải đáp. Theo đó, trường hợp đương sự tiến hành khởi kiện khi thời hiệu đã hết thì đây không phải là căn cứ để Tòa án trả lại đơn khởi kiện mà Tòa án vẫn sẽ thụ ký nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, nếu một bên hoặc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu đã hết thì vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết theo điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, miễn là yêu cầu đó phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.

    Lưu ý: Trong một số trường hợp đặc biệt, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp, pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện không được áp dụng ngay cả khi các bên có yêu cầu. Đó là các trường hợp được quy định cụ thể tại Điều155 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

    1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

    2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

    3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

    4. Trường hợp khác do luật quy định

     

     

     
    19388 | Báo quản trị |  
    3 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    nguyenvacongsu (24/11/2020) admin (17/10/2019) ThanhLongLS (15/10/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận