Các doanh nghiệp khi có kho chứa hàng nên đăng ký kho chứa hàng là địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, xét về chức năng kinh doanh, kho chứa hàng có chức năng lưu giữ hàng hóa của doanh nghiệp và có thể kinh doanh hàng hóa khi cần thiết.
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì địa điểm kinh doanh là là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Cũng theo khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Trụ sở chính hay địa điểm kinh doanh đều là nơi để doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.
Theo điểm a, khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
=> Thuê một cái kho tại địa điểm làm chỗ để hàng của công ty thì theo quy định nói trên về địa điểm kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì kho chứa hàng là một tên gọi khác của một đơn vị phụ thuộc.
Sau khi tiến hành thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp làm thủ tục thông báo và kê khai với cơ quan thuế về việc thành lập thêm địa điểm kinh doanh trực thuộc để cơ quan thuế quản lý.
Thứ hai, công ty thuê kho chứa hàng, có hợp đồng, hóa đơn đầu vào và chứng từ thanh toán đầy đủ nhưng không thực hiện đầy đủ đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, không nộp thuế môn bài thì chi phí thuê kho sẽ bị loại khi tính (quyết toán) thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Thứ ba, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểu 37 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.