Khi nào viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

Chủ đề   RSS   
  • #610507 12/04/2024

    btrannguyen
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (222)
    Số điểm: 2856
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 48 lần


    Khi nào viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

    Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là gì? Những ai sẽ được thăng hạng chức danh nghề nghiệp? Khi nào viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

    Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là gì?

    Theo khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định: 

    - Hạng chức danh nghề nghiệp: là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp;

    - Thăng hạng chức danh nghề nghiệp: là việc viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp.

    Theo Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau:

    - Chức danh nghề nghiệp hạng I;

    - Chức danh nghề nghiệp hạng II;

    - Chức danh nghề nghiệp hạng III;

    - Chức danh nghề nghiệp hạng IV;

    - Chức danh nghề nghiệp hạng V.

    Như vậy, thăng hạng chức danh nghề nghiệp là tăng cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

    Khi nào viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

    Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đáp ứng các quy định theo Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP như sau:

    -  Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

    + Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 

    Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; 

    Không trong thời hạn xử lý kỷ luật; 

    Không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;

    + Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

    - Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. 

    Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; 

    Viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét;

    - Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.

    Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác (không tính thời gian tập sự theo quy định) theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

    Trường hợp tính thời gian tương đương thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét ít nhất 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

    - Ngoài tiêu chuẩn, điều kiện quy định trên, Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có trách nhiệm quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I thuộc ngành, lĩnh vực quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ và quyền lợi của viên chức.

    Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với trường hợp thăng lên hạng II và hạng I áp dụng cho viên chức hành chính, viên chức văn thư và viên chức lưu trữ.

    Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề nếu đang làm công việc ở vị trí việc làm phù hợp với chức danh nghề nghiệp được xét và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xét theo quy định.

    Đối với trường hợp viên chức đang xếp ở hạng chức danh nghề nghiệp mà hạng chức danh nghề nghiệp này không còn theo quy định của pháp luật hiện hành thì được xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ nếu đang công tác ở vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. 

    Quy định này không áp dụng đối với trường hợp có sự thay đổi mã số chức danh nghề nghiệp.

    Như vậy, để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, viên chức phải đáp ứng các điều kiện trên.

    Đồng thời, theo Điều 31 Nghị định 115/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm c khoản 38 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đảm bảo:

    - Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    - Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

    - Kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

    Viên chức có thể thay đổi chức danh nghề nghiệp qua các hình thức nào?

    Theo Điều 29 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

    - Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;

    - Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

    - Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

    Như vậy, ngoài xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, viên chức còn có thể thay đổi chức danh nghề nghiệp qua hình thức xét chuyển chức danh nghề nghiệp và xét thăng hạng đặt cách.

     
    86 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận