Trong quá trình công tác, đôi khi công chức, viên chức lại được điều chuyển đến nhận nhiệm vụ mới trong thời hạn nhất định. Vậy việc điều chuyển này có phải là “luân chuyển”? Và trong trường hợp nào thì công chức, viên chức được điều chuyển khỏi vị trí công tác hiện thời?
Điều kiện luân chuyển công chức, viên chức - Minh họa
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008 thì luân chuyển là việc cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh quản lý, lãnh đạo khác trong một khoảng thời gian nhất định để được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
Như vậy, việc luân chuyển chỉ áp dụng những công chức đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện người đó. Việc luân chuyển có thể thực hiện ngay trong chính cơ quan đó hoặc sang một cơ quan khác.
Theo khoản 1 Điều 52 Luật này, những cơ sở để tiến hành luân chuyển công chức là yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức nói trong hệ thống các cơ quan, đơn vị.
Căn cứ hướng dẫn tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP, những công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc một trong những trường hợp sau đây thì thuộc đối tượng được xem xét luân chuyển:
- Thuộc diện quy hoạch của đơn vị đang công tác;
- Giữ cấp danh cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tục tại cùng cơ quan, đơn vị;
- Chức danh danh lãnh đạo, quản lý được quy định không do người ở địa phương nắm giữ.
Về tiêu chuẩn đối với công chức luân chuyển, ngoài các điều kiện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, tiềm năng phát triển, nằm trong quy hoạch, sức khỏe công tác, thì còn phải đáp ứng số nhiệm kỳ còn lại.
Theo đó, người được luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác trước khi đạt tuổi nghỉ hưu, tương đương 02 nhiệm kỳ. Riêng trường hợp luân chuyển để thực hiện hiện chính sách không giữ một chức danh quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp thì chỉ cần 05 năm, tức là 01 nhiệm kỳ.
Việc luân chuyển công chức được thực hiện theo quy trình 05 bước:
1. Đề xuất chủ trương.
2. Đề xuất nhân sự.
3. Chuẩn bị nhân sự.
4. Trao đổi với cơ quan, nhân sự được luân chuyển.
5. Tổ chức thực hiện luân chuyển.
Thời gian luân chuyển kéo dài trong ít nhất 03 năm (36 tháng). Việc bố trí công tác sau luân chuyển sẽ căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và kết quả nhận xét, đánh giá quá trình công tác.
Đối với viên chức. theo quy định của Luật viên chức 2010 thì viên chức không được luân chuyển mà chỉ có thể được biệt phái.
Điều 36 Luật này quy định, biệt phái là một viên chức được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong thời hạn nhất định theo quyết định của người đứng đầu đơn vị đang công tác.
Thời hạn biệt phái thông thường tối đa không quá 03 năm. Hết thời hạn này thì viên chức quay lại nơi làm việc cũ.
Lưu ý, không được biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.